Hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản Nghệ An

Thứ ba - 15/06/2021 21:02 1.466 0
Nghệ An có bờ biển dài 82 km, 4.230 hải lý vuông, từ độ sâu 40m trở vào nói chung đáy biển tương đối bằng phẳng, từ độ sâu 40m trở ra có nhiều đá ngầm, cồn cát. Với 6 cửa lạch vùng biển Nghệ An là nơi tập trung nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Trong những qua cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, nghề khai thác thủy sản Nghệ An có những bước chuyển tích cực.
Hiện trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác,  chế biến, tiêu thụ thủy sản Nghệ An
PHẦN THỨ NHẤT
KẾT QUẢ KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ HẢI SẢN NĂM 2020 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

1. Thuận lợi
- Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt có hiệu quả của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh Ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 đối với lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đó có hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
- Chính phủ đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2017, các giải pháp khắc phục khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu EC và định hướng chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
- Các cấp chính quyền địa phương, các ngành đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực trong việc khắc phục Thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu EC, bên cạnh đó ngư dân ngày càng nhận thức tốt hơn về hoạt động khai thác đi đôi với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
- Nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản khá phong phú, đa dạng về số loài, chất lượng tốt. Đã hình thành được hệ thống kho lạnh dự trữ thuỷ sản, tạo thuận lợi cho chế biến thuỷ sản.
- Nhận thức của cộng đồng ngư dân về tuân thủ các quy định của pháp luật ngày càng nâng cao.
- Ngành thủy sản tiếp tục đổi mới công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, chủ động thích ứng với diễn biến của tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước.
 - Chế biến thuỷ sản Nghệ An đã tiêu thụ lượng lớn thuỷ sản đánh bắt, nuôi trồng của tỉnh, mang lại thu nhập cho hàng ngàn người dân thuộc các huyện, thị xã ven biển.
 - Mạng lại giá trị thu nhập cho người dân, giúp ổn định kinh tế, xã hội.
2. Khó khăn
- Dịch Covib-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các kênh phân phối sản phẩm thủy sản bị ảnh hưởng, gián đoạn nhiều thị trường trong và ngoài nước.
- Tình trạng thiếu lao động khai thác cả về số lượng và chất lượng nhất là các lao động lành nghề, lao động đã qua đào tạo, nhiều tàu cá phải nằm bờ không đủ lao động để đi sản xuất.
- Cơ sở hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão đã được quy hoạch nhưng chưa được đầu tư đầy đủ, các cửa lạch thường xuyên bị bồi lắng, thay đổi dòng chảy ảnh hưởng lớn đến việc ra vào của tàu thuyền.
- Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, chế biến thủy sản còn nhiều hạn chế, đặc biệt công tác bảo quản sản phẩm thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch chưa được cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
- Cơ sở chế biến thuỷ sản Nghệ An chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, chưa có các doanh nghiệp lớn đầu tư vào phát triển chế biến thuỷ sản. 
- Sản phẩm chủ yếu đang ở mức độ sơ chế hoặc chế biến thô, chưa có các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ cho xuất khẩu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
- Chủng loại các sản phẩm chế biến còn đơn điệu, việc đầu tư chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm để tạo ra các sản phẩm mới có GTGT cao còn gặp nhiều khó khăn.
- Nguồi lợi thủy sản ngày càng suy giảm, ngư trường khai thác truyền thống bị thu hẹp, cường lực khai thác vẫy duy trì ở mức cao dẫn đến hiệu quả kinh tế một số nghề khai thác thủy sản giảm, nhưng công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác, bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản chưa được quan tâm đúng mức.
- Tình trạng thiếu lao động nghề khai thác thủy sản, trình độ lao động thủy sản không cao so với mặt bằng chung của xã hội ảnh hưởng đến việc triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
- Hạ tầng cảng cá còn thiếu, xuống cấp, các cửa lạch bị bồi lắng tàu thuyền ra vào cửa lạch gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo an toàn, công tác đảm bảo ATTP cảng cá, tàu cá chưa được thực hiện bài bản, tổn thất sau thu hoạch đang ở mức cao gây lãng phí nguồn lợi thủy sản.
- Việc khai thác trong mùa vụ cá đẻ, cá con ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản, sản lượng khai thác và hiệu quả kinh tế mỗi chuyến biển, đến nay chưa có giải pháp căn cơ, đồng bộ.
- Nhiều mặt hàng khai thác thủy sản trước đây được xuất khẩu được sang các thị trường như Trung Quốc thì nay không thể xuất khẩu được (do đóng cửa biên giới vì ảnh hưởng do dịch COVID 19 ...).
- Biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai bão lụt diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thời gian bám biển cũng như hiệu quả khai thác của ngư dân (một số tàu phải nằm bờ không thể đi khai thác).
 - Chế biến hải sản chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún chưa hình thành đươc các cơ sở chế biến khép kín theo chuỗi từ thu mua, chế biến, kinh doanh sản phẩm; chưa đầu tư nhãn mác sản phẩm, sản phẩm chủ yếu bán tiêu dùng trên thị trường.
 - Địa điểm chế biến chủ yếu ngay trong các khu dân cư nên khó đầu tư mở rộng, khó khăn trong bố trí các công đoạn chế biến, khó đảm bảo thực hiện đúng các quy định về môi trường.
- Một số hộ chế biến thuỷ sản đặc biệt là chế biến nước mắm truyền thống cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo an toàn thực phẩm (cá biệt làng nghề chế biến nước mắm An Hoà, huyện Quỳnh Lưu có hơn 80 hộ nhưng không có hộ nào đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm).
3. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu khai thác thủy sản năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021
- Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 233/KH232 nghìn tấn, tăng 4,02% so với năm 2019 trong đó khai thác hải sản biển 179 nghìn tấn tăng 6,09%; tổng giá trị ước đạt 3.428  tỷ đồng. Tính đến tháng 5/2021, tổng sản lượng khai thác hải sản đạt 75.564 tấn, tăng 9,39% so với năm 2020 giá trị ước đạt 1.507,1 tỷ đồng.
- Các sản phẩm hải sản đóng góp vào tỷ trọng xuất khẩu như cá Hố, Mực, bạch tuộc, tôm, cua ghẹ...
       
 
 













Hình 1: Tàu cập Cảng cá bốc giỡ hàng hóa
4. Tổ chức khai thác                
4.1. Công tác quản lý tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản
- Hiện tại toàn tỉnh có 3.448 tàu cá, tổng công suất tàu cá toàn tỉnh là 699.032 CV, công suất bình quân đạt 191.19 CV/tàu, số tàu khai thác vùng khơi là 1.215 chiếc chiếm 35.24%, công suất bình quân là 473,25 CV/tàu. Phát triển đội tàu khai thác theo hướng giảm dần loại tàu có chiều dài nhỏ dưới 12m khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng; ổn định số lượng tàu khai thác vùng khơi, cải hoán nâng công suất tàu cá để tăng thời gian bám biển, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
- Nghề khai thác thủy sản ở Nghệ An rất đa dạng và phong phú, bao gồm: Nghề lưới Vây, Rê, Chụp, lưới Kéo và nhiều nghề khác. Ngư trường khai thác bao gồm vùng ven bờ biển Nghệ An, vùng lộng, vùng khơi Vịnh Bắc Bộ, đến nay đang phát triển ra ngư trường các tỉnh Trung bộ và vùng Biển Hoàng Sa, Trường Sa.
- Tổng số giấy phép KTTS đã cấp còn hạn tính đến ngày 31/5/2021 là 2.198/2.338 tàu, đạt 94,01% số tàu phải cấp phép.
- Tổng số tàu cá đã đặt thiết bị Giám sát hành trình: 1.135/1.214 chiếc, gồm: 354 thiết bị Movimar của Công ty CLS, 165 thiết bị BASAT1 - Bình Anh, 254 thiết bị VNPT, 57 thiết bị Vishipel, 110 thiết bị Viettel S-tracking, 76 thiết bị LTran và 119 thiết bị BK88VN - Điện tử Bách Khoa; đạt tỷ lệ 93,49%.
 - Số lượng tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt thiết bị VMS: 79 chiếc (chiếm tỷ lệ 6,51%) là những tàu không đi sản xuất do thiếu lao động.
- Công tác đánh dấu tàu cá được thực hiện nghiêm túc 100% tàu khi ra khơi được đánh dấu theo đúng quy định.
4.2. Công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá
Toàn tỉnh có 4 cảng cá lớn gồm cảng cá Cửa Hội, Lạch Vạn, Lạch Quèn và cảng cá Quỳnh Phương.
Mặc dù trong những năm qua số lượng cảng cá đã được xây dựng, mở rộng, nhưng so với nhu cầu cập bến của tàu cá trong tỉnh thì số lượng vẫn chưa đáp ứng đủ; một số cửa lạch vẫn chưa có cảng cá như lạch Lò, lạch Thơi; các cửa lạch đã có cảng thì cầu cảng cũng chưa đủ cho tàu cập cảng.
- Khu neo đậu tránh trú bão: Hiện nay toàn tỉnh có 05 khu neo đậu tránh trú bão, bao gồm: Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Cờn (cấp tỉnh) sức chứa 500 tàu công suất 600cv, khu neo đậu tránh trú bão Lạch Quèn (cấp vùng) sức chứa 500 tàu công suất 400cv, Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi (cấp tỉnh) sức chứa 300 tàu công suất 200cv, Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Vạn (cấp tỉnh) sức chứa 500 tàu công suất 200cv, Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Lò (cấp tỉnh) sức chứa 200 tàu công suất 150cv.
            Nói chung khu neo đậu tránh trú cho tàu cá trên toàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu tránh trú bão cho tàu cá của tỉnh mỗi khi có bão và áp thấp độ bộ vào Nghệ An. Những năm gần đây khi có bão, áp thấp nhiệt đới các tàu cá lớn của Nghệ An phía bắc thì ra Thanh Hóa, phía nam thì sang Hà Tĩnh để tránh trú.
            Giải quyết vấn đề khu neo đậu tránh trú bão đang là vấn đề cấp bách để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân khi có bão và áp thấp nhiệt đới.
            - Luồng lạch: Nghệ An có 06 cửa biển gồm: Cửa Lạch Cờn, Cửa Lạch Quèn, Cửa Lạch Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò và Cửa Hội, trong 6 cửa lạch thì có 02 cửa lạch là lạch Hội và lạch Lò là đảm bảo an toàn cho tàu cá khi ra vào lạch; còn lại các lạch Vạn, Thơi, Quèn, Cờn ngày càng bị bồi lắng ảnh hưởng đến an toàn của tàu cá khi ra vào lạch.
- Lao động khai thác hải sản
Tổng số lao động trực tiếp tham gia khai thác trên biển toàn tỉnh hiện nay là 15.601 người, trong đó tham gia khai thác vùng khơi là 8.852 người.
Nguồn lao động khai thác thủy sản của Nghệ An có trình độ học vấn thấp so với lao động các nghề khác, nhưng rất cần cù, chịu khó, ý chí quyết tâm cao, ham học hỏi nâng cao tay nghề và tìm hiểu ngư trường mới. Đây là một trong những thuận lợi đối với sự phát triển kinh tế thủy sản địa phương bởi ngành thủy sản là ngành kinh tế có sức thu hút lao động rất lớn.
       
 
 













Hình 2: Đ/c Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tặng cờ cho ngư dân trước khi đi khai thác trên biển & Thăm chúc mừng ngày truyền thống Bộ đội biên phòng 3/3/2021
4.3. Công nghệ và tổ chức liên kết khai thác
a. Công nghệ khai thác
- Tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều đề tài ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản như cải tiến tời lưới vây, xây dựng rạn nhân tạo, trang bị tời thủy lực kéo lưới trên các nghề lưới Kéo, Vây, Rê, Câu, Chụp tạo điều kiện nâng cao hiệu quả lao động trên tàu cá (tăng số lần thả lưới trong ngày sản xuất, giảm được số lượng lao động trên đơn vị tàu).
 - Xây dựng mô hình ứng dụng máy dò đứng và bộ đàm; máy dò ngang Sonar trên tàu khai thác hải sản xa bờ (chủ yếu là nghề lưới Vây); Mô hình ứng dụng đèn tiết kiệm điện chuyên dùng trên tàu cá, giúp ngư dân tiết kiệm được 35 - 40% nhiên liệu. Ngoài ra, còn có một số mô hình đã mang lại hiệu quả rất cao trong khai thác đó là mô hình lưới rê và lưới rê hỗn hợp; mô hình hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ PU (Polyurethane); mô hình lắp đặt Rada hàng hải trên tàu khai thác xa bờ. Nhìn chung các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác đạt hiệu quả cao đã giúp ngư dân nâng cao sản lượng khai thác trên mỗi chuyến biển.
- Đến nay 100% tàu cá hoạt động vùng lộng và vùng khơi có máy định vị vệ tinh; 100% tàu khai thác vùng khơi nghề lưới Vây, Chụp có trang bị máy dò  ngang.
b. Mô hình tổ đội, tổ hợp tác khai thác trên biển
- Thành lập các tổ đội khai thác thủy sản đã giúp cho ngư dân phối hợp với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả khai thác và hỗ trợ trong phòng chống thiên tai, tai nạn rủi ro trên biển.
- Đã thành lập được 01 nghiệp đoàn nghề cá gồm 10 tổ hợp tác, với 60 tàu tham gia, số lượng lao động 300 người; 02 Hợp tác xã Nghề cá: Hợp tác xã Nghề cá Hoàng Sa gồm 50 tàu, với 120 lao động; Hợp tác xã Hải Phú gồm 10 tàu, với 45 lao động. Các Hợp tác xã chuyên khai thác và có tàu cung ứng dầu, mỡ, đá lạnh, thức ăn, thu mua thủy thủy sản,... phục vụ các tàu khai thác thủy sản trên biển; Thành lập 210 tổ hợp tác, với 1.290 tàu cá tham gia, số lao động trong các tổ hợp tác là 11.956 lao động.
5. Công tác bảo quản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác.
- Biện pháp phổ biến và hiệu quả nhất đối với ngư dân Nghệ An vẫn là bảo quản bằng đá lạnhVới cách bảo quản này chất lượng hầm bảo quản đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho đá không bị tan chảy và giữ độ lạnh ổn định trong suốt quá trình khai thác. Tuy nhiên, hầu hết ngư dân còn sử dụng hầm bảo quản thủy sản truyền thống được cách nhiệt bằng tấm xốp ép chặt vào vách hầm, một số ít tàu đã lắp đặt hầm bảo quản bằng chất liệu mút xốp P.U (foam P.U) và hầm ngâm hạ nhiệt thân cá.
- Trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, không có doanh nghiệp nào xin cấp Giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác.
       
 
 













Hình 3: Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT, UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra thực tế tại cảng và thăm văn phòng kiểm tra, kiểm soát liên ngành (Văn phòng IUU) tại Cảng cá Lạch Quèn – Quỳnh Lưu
6. Công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm
a. Về chế biến thủy sản
Ngành chế biến của tỉnh Nghệ An bao gồm các ngành chế biến đông lạnh, chế biến bột cá, sản xuất nước mắm, sản xuất cá hộp và chế biến hành khô. Tỉnh đã xây dựng 14 khu chế biến thủy sản tập trung với tổng diện tích 78,83 ha tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn hoạt động ổn định:
- Công ty CP XNK thủy sản Nghệ An II, Công ty CP thủy sản Nghệ An, Nhà máy chế biến Hải An, Nhà máy chế biến bột cá XURI Việt Trung công suất 15-20 tấn bột cá/ngày. Nhà máy MASSAN tại khu công nghiệp Nam Cấm chế biến nước mắm, tương ớt… Nhà máy chế biến cá hộp của Công ty TNHH Royal Foods Nghệ An (Thái Lan) với diện tích 14.000m2 quy mô 60-100 nghìn thùng cá hộp mỗi tháng với hệ thống kho động lạnh FRESCOL có sức chứa 13 nghìn tấn và kho đông lạnh lớn nhất miền Bắc và miền Trung cấp đông 100-150 tấn/ngày tập đoàn này đang tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến cá ngừ Frescol Tuna công suất 150 tấn/ngày với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.
- Có 04 nhà máy chế biến bột cá sản lượng chế biến bột cá năm 2020 đạt 22 nghìn tấn, 5 tháng đầu năm 2021 đạt 10 nghìn tấn; 78 cơ sở bảo quản thủy sản đông lạnh công suất năm 2020 đạt 28,5 nghìn tấn, 5 tháng đầu năm đạt 11,2 nghìn tấn; 25 cơ sở sơ chế thủy sản khô năm 2020 đạt 17,25 nghìn tấn 5 tháng đầu năm 2021 đạt 12,2 nghìn tấn.
- Nhà máy sản xuất cá hộp Royal Foods tại Nam Cấm, Nghi Lộc, chế biến đồ hộp hải sản công suất 150 tấn thủy sản/ngày; Nhà máy sản xuất nước mắm công nghiệp của tập đoàn MaSan đóng tại KCN Nam Cấm có công suất thiết kế khoảng 100-120 triệu lít/năm.
- Sản xuất nước mắm truyền thống trong tỉnh ước đạt 12- 15 triệu lít/năm. Các cơ sở sản xuất lớn của tỉnh như: Công ty CP Thủy sản Nghệ An; Công ty CP Vạn Phần; Công ty Cổ phần Thủy sản Quỳnh Lưu; Làng nghề chế biến nước mắm tp trung Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai, Làng nghề nước mắm Cửa Hội, với hơn 300 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình.
b. Về tiêu thụ sản phẩm
Sản phẩm hải sản khai thác, chế biến chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Lào. Trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường trong nước có xu hướng giảm, giá cả không ổn định nên có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các đội tàu.
PHẦN THỨ HAI
KẾ HOẠCH, GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHAI THÁC, CHẾ BIẾN,  TIÊU THỤ HẢI SẢN 7 THÁNG CUỐI NĂM 2021, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾNNĂM 2030

1. Kế hoạch chỉ tiêu khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2021
Trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng của tỉnh, các chỉ tiêu và định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với lĩnh vực khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo kịch bản sau:
- Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 duy trì ở mức 175.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác biển là 170.000 tấn, sản lượng khai thác nội đồng 5.000 tấn.
- Tiếp tục duy trì tiêu thụ một số sản phẩm thủy sản xuất khẩu tiểu ngạch sang các quốc gia như: Trung Quốc, Lào và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước.
- Từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng các loại hình chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chế biến, nâng cao chất lượng bảo quản thủy sản sau khai thác phục vụ cho thị trường xuất khẩu và nội địa.
- Xây dựng thương hiệu các làng nghề chế biến thủy sản, hỗ trợ khoa học công nghệ, xây dựng mã vạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm chế biến thủy sản.
- Chỉ tiêu về chế biến hải sản
TT Ngành hàng Số cơ sở Công suất TK (tấn SP/năm) Dự kiến cả năm 2021 (Tấn) Ghi chú
1 Thuỷ sản đông lạnh 78 40.000 30.000  
2 Thuỷ sản khô 25 30.000 18.500  
3 Nước mắm        
  +Truyền thống 312 20.000 12.500  
  +Công nghiệp 1 120.000 105.000  
4 Bột cá phụ phẩm 4 35.000 23.000  
5 Muối 6 55.000 40.000  
2. Định hướng chỉ tiêu khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản đến năm 2030 (theo Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021)
- Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6-8%/năm, trong đó từng bước nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản.
- Giải quyết việc làm cho hơn 17 nghìn lao động trực tiếp và 20 nghìn lao động gián tiếp.
- Hỗ trợ các tổ đồng quản lý trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, hình thành các hợp tác xã, các doanh nghiệp khai thác thủy sản, liên kết sản xuất hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác trên các vùng biển.
- Quy hoạch các vùng chế biến thuỷ sản tập trung quy mô nhỏ và vừa tại các huyện ven biển để thu hút chế biến nhỏ lẻ trong khu dân cư như hiện nay.
            - Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến sản phẩm, phát triển thương hiệu thuỷ sản Nghệ An ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
            - Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nước mắm truyền thống Nghệ An đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.
            - Xây dựng chuỗi chế biến thuỷ sản an toàn khép kín từ nuôi trồng/khai thác - chế biến - tiêu thụ. Sản phẩm có nhãn mác, tem truy xuất, xây dựng thương hiệu thuỷ sản Nghệ An.
- Thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi Thủy sản đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 782/QĐ-UBND ngày 29/03/2021.
            - Đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch Hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đang xin ý kiến góp ý của các Sở ban ngành để hoàn thiện.
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
3.1. Triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn Luật và các khuyến nghị của EC
- Tiếp tục triển khai tốt Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan, chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát tàu cá, khắc phục Thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu EC.
- Xây dựng Chương trình phát triển kinh tế thủy sản Nghệ An giai đoạn 2021 đến 2025 tầm nhìn 2030.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn phổ biến các văn bản, quy định mới liên quan cho cộng đồng ngư dân.
- Chỉ đạo hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đảm bảo tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khi ra khơi phải có thiết bị giám sát tàu cá hoạt động và duy trì kết nối trong suốt quá trình hoạt động.
 - Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cửa lạch, tàu cá bốc, xếp hàng hóa thủy sản tại các Cảng cá, kiểm soát sản lượng, thành phần loài và vùng biển khai thác.
- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên biển, thông qua tuần tra, kiểm soát, giám sát hoạt động tại Trạm Bờ Chi cục Thủy sản.
3.2. Điều tra nguồn lợi và dự báo ngư trường khai thác
- Triển khai thực hiện nhiệm vụ điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản ven bờ và vùng lộng, thực hiện kiểm soát hạn ngạch khai thác theo nghề, theo vùng biển theo đúng quy định.
- Tiếp tục duy trì xây dựng bản đồ dự báo ngư trường theo nghề khai thác để cung cấp cho các thuyền trưởng, chủ tàu phục vụ sản xuất có hiệu quả.
3.3. Quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển
- Từng bước nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm tàu cá, phối hợp với Bộ đội Biên phòng quản lý tốt tàu cá khi xuất lạch, thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển.
- Thường xuyên cập nhật vào cở dữ liệu tàu cá vnfisbase số liệu tàu cá, tổ chức quản lý tốt hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đặc biệt là tàu cá khai thác vùng khơi.
3.4. Công tác quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá
- Giao Ban quản lý Cảng cá Nghệ An từng bước đào tạo nâng cao chất lượng công tác cán bộ, kiểm soát tốt sản lượng khai thác, loài hải sản lên bến, tàu ra vào cập cảng, thu nộp báo cáo nhật ký khai thác thủy sản.
- Tập trung nguồn lực xây dựng kè chắn sóng, chắn cát tại các cửa lạch, khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo đủ cho tàu thuyền neo đậu khi có thiên tai, bão lũ.
3.5. Tổ chức sản xuất khai thác thủy sản
- Phát triển khai thác vùng khơi có hiệu quả, tìm kiếm ngư trường mới từng bước giảm dần số lượng tàu thuyền khai thác vùng lộng, vùng ven bờ.
- Hình thành các hợp tác xã, các doanh nghiệp khai thác thủy sản các tổ hợp tác khép kín đảm bảo hỗ trợ được cho các đội tàu tăng thời gian bám biển.
- Giảm dần các nghề khai thác có tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản sử dụng nhiều nhiên liệu sang nghề khai thác thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.
- Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển khai thác thủy sản, chế biến thủy sản.
- Xây dựng một số chính sách hỗ trợ phát triển chuyển đổi nghề, ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác, chế biến thủy sản, đẩy mạnh phát triển, chuyển giao công nghệ bảo quản sản phẩm giảm tổn thất sau thu hoạch.
3.6. Tuyên truyền quản bá, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ khai thác
- Tiếp tục duy trì thị trường tiêu thụ trong nước, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Lào.
- Ứng dụng Công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản.
- Đảm bảo tốt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Kiến nghị, đề xuất.
Để thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021 và định hướng đến 2030, Ngành thủy sản Nghệ An kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và PTNT một số nội dung sau:
- Nâng cấp, mở rộng các cảng cá hiện nay; xây dựng một số cảng cá mới theo đề xuất của tổ tư vấn thực hiện theo Quyết định 665/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
- Đầu tư kinh phí xây dựng kè chắn sóng, chắn cát tại 04 cửa lạch (Lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Thơi và lạch Vạn), nạo vét luồn lạch đảm bảo cho tàu thuyền ra vào thuận lợi; Xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảm bảo an toàn cho người và tàu khi có thiên tai, bão lũ.
- Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các Hợp tác xã khai thác, chế biến thủy sản, hỗ trợ phát triển đội tàu vỏ thép có chiều dài lớn nhất từ 50m trở lên khai thác vùng biển xa.
- Đầu tư nguồn lực, kinh phí, có lộ trình cụ thể hình thành lực lượng Kiểm ngư của các tỉnh để tuần tra, kiểm soát và hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển.
- Có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Công ty Bảo hiểm PJICO tiếp tục bán bảo hiểm cho tàu cá để ngư dân được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo quy định của nhà nước.
- Có chính sách giản thời gian trả nợ đối với tàu đóng theo Nghị định số 67, kịp thời hỗ trợ kinh phí đóng tàu theo Nghị định số 17 và đưa về một mức giá cước thuê bao dịch vụ vệ tinh đối với thiết bị giám sát hành trình.
- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển xử lý tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, tổ chức cấm biển trong mùa sinh sản của các loài thủy sản./.

                                                                                        Phan Tiến Chương - Giám đốc Ban quản lý cảng cá Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,017
  • Tháng hiện tại23,869
  • Tổng lượt truy cập1,836,751
Tin nóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây