Ðảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu cá là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển nghề cá bền vững; đây cũng là khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Hình ảnh ngư dân chuẩn bị, kiểm tra ngư lưới cụ trước và sau những chuyến đi khai thác
Triển khai Luật Thủy sản, Bộ NN&PTNT có Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT quy định tất cả tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên phải được cấp chứng nhận ATTP. Theo đó, có 10 chỉ tiêu, điều khoản đánh giá. Thiết bị làm lạnh trên tàu cá phải có công suất đủ mạnh để giữ hải sản ở nhiệt độ thích hợp và ổn định, có nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ. Hầm bảo quản hải sản được làm bằng vật liệu chống ăn mòn, không độc, cấu trúc chắc chắn, được bọc cách nhiệt, có nắp đậy, không ngấm nước, dễ vệ sinh, khử trùng, sạch sẽ.
Hình ảnh thực hiện công tác vệ sinh mặt cầu cảng và khay đựng thủy sản
Hải sản sau khi đưa ra khỏi tủ cấp đông phải được bao gói và đưa ngay vào kho lạnh bảo quản. Trong kho lạnh, hải sản phải được kê xếp theo từng lô riêng biệt, ghi chép rõ vị trí và ngày, tháng bảo quản. Khu vực vệ sinh của thuyền viên phải được bố trí cách ly với khu vực xử lý, bảo quản hải sản. Ngư dân trên tàu cá phải được khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động phù hợp. Thuyền viên, lao động nghề cá phải được phổ biến kiến thức ATTP.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc khử trùng, vệ sinh hầm tàu, sàn chứa hải sản và các thiết bị tiếp xúc với hải sản trước và sau mỗi chuyến biển chưa được ngư dân quan tâm thực hiện thường xuyên. Hầu hết ngư dân chỉ rửa, vệ sinh sàn tàu bằng nước biển. Hầm bảo quản hải sản bằng gỗ truyền thống không đảm bảo vệ sinh cũng như cách nhiệt hiệu quả cho sản phẩm hải sản. Hầu hết ngư dân “quên” khử trùng sàn chứa hải sản và các thiết bị tiếp xúc với hải sản trước và sau mỗi chuyến biển.
Hình ảnh ngư dân đi khai thác về cập cảng cá Cửa Hội
Ban quản lý Cảng cá Nghệ An cũng thường xuyên nhắc nhở chủ các tàu thuyền nâng cao ý thức, trách nhiệm; khuyến khích, tạo điều kiện để ngư dân nâng cấp, cải tiến các thiết bị trên tàu, thuyền; phát triển các tàu dịch vụ để vận chuyển, cung ứng vật tư, nhiên liệu cũng như đưa sản phẩm vào đất liền, nhằm giúp ngư dân tăng thời gian bám biển và rút ngắn thời gian lưu giữ sản phẩm trên tàu. Bên cạnh đó, mỗi tàu cá đều xây dựng nội quy riêng về an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá; phổ biến cho các thuyền viên về công tác vệ sinh, khử trùng thiết bị, sàn tàu, hầm chứa, dụng cụ chứa… sau mỗi chuyến đi biển; quy định rõ phương pháp, tần suất làm vệ sinh cho phù hợp với từng loại tàu cá. Đặc biệt, mỗi thành viên trên tàu phải nắm vững các biện pháp phòng tránh nhiễm bẩn hoặc làm hư hại đến thủy sản trong quá trình tiếp nhận, xử lý, chế biến, bảo quản, bốc dỡ và vận chuyển. Việc bốc dỡ và vận chuyển thủy sản lên bờ phải tiến hành cẩn thận và nhanh chóng, không làm thủy sản bị dập nát hay bị nhiễm bẩn trong quá trình thao tác. Sau khi dỡ hàng, bề mặt của khoang chứa, dụng cụ chứa, sàn tàu phải được vệ sinh và khử trùng cẩn thận. Ngoài ra, Ban quản lý Cảng cá Nghệ An cũng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá hàng năm; khuyến khích ngư dân đánh bắt vùng biển xa thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tương trợ nhau trong quá trình đánh bắt cũng như bảo quản sản phẩm; khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp đóng mới các tàu dịch vụ có đầy đủ điều kiện bảo quản thủy sản sau khai thác đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm./.
Tin bài: Nguyễn Đình Thi - Cảng cá Cửa Hội