Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh

Thứ sáu - 10/05/2024 03:34 128 0
Hình ảnh: Lãnh đạo UBND chủ trì buổi hội nghị chống khai thác IUU vào ngày 07/5/2024
Hình ảnh: Lãnh đạo UBND chủ trì buổi hội nghị chống khai thác IUU vào ngày 07/5/2024
Chiều ngày 07 tháng 5 năm 2024, tại Văn phòng UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chủ trì cuộc họp đánh giá công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; Đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về chống khai thác IUU (theo Quyết định số 3942/QĐ-UBND ngày 13/12/2022 của UBND tỉnh); Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư; Lãnh đạo Ban Quản lý Cảng cá; Tổ trưởng các Tổ Liên ngành thanh tra kiểm soát tại các cảng cá; Chủ tịch UBND, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế các huyện/thị xã: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hoàng Mai, Cửa Lò và Lãnh đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển.
Sau khi nghe Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) trên địa bàn tỉnh; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, kết luận:  
Công tác chống khai thác IUU có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong thời gian qua Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp, cuộc kiểm tra để đôn đốc triển khai thực hiện. Về phía tỉnh, sau hơn 06 năm thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, công tác chống khai thác IUU của tỉnh đã có nhiều chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể:
Thứ nhất là, về công tác lãnh đạo chỉ đạo: Tham mưu HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết hỗ trợ riêng cho ngành thuỷ sản (Nghị quyết số 02 ngày 22/7/2020 và Nghị quyết số 01 ngày 07/7/2023); UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản (gồm 21 Công văn, 10 Thông báo, 12 Kế hoạch, 13 Quyết định, 03 Chỉ thị); Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực BCĐ) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai triển khai; Riêng sau đợt thanh tra thực tế lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra EC, thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 01/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành 08 văn bản (01 Chỉ thị, 01 Kế hoạch, 04 Công văn; 02 Thông báo kết luận) chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU; Tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động chống khai thác IUU (tại Quyết định số 614 ngày 20/3/2024 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn và đã tiến hành kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan); Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU đã tổ chức 04 cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại các Cảng cá, hoạt động thực thi nhiệm vụ của Tổ công tác liên ngành và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản; Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương có liên quan tổ chức thống kê, rà soát đối với nhóm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình dài ngày trên biển; Cung cấp các thông tin, dữ liệu và phối hợp với các đơn vị, địa phương trong công tác kiểm tra, xác minh đối với các tàu cá vi phạm quy định về khai thác IUU khi tàu cá về bờ.
Thứ hai là, kết quả ban đầu cho thấy công tác quản lý tàu cá đã được thực hiện hiệu quả hơn, từ quản lý đội tàu, theo dõi giám sát trên biển, đến việc kiểm tra tàu cá ra vào cảng cá, xuất nhập bến; công tác thực thi pháp luật nghiêm túc hơn so năm 2023; ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đã được nâng lên. Cụ thể: Công tác quản lý tàu cá: Tỷ lệ đăng ký tàu cá đạt 90,37%; Giấy phép khai thác đạt 95,38%, cấp giấy an toàn thực phẩm 86,18%; đăng kiểm đạt 78,3%; lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 96,95%; Công tác xử lý pháp luật: Năm 2023 xử phạt vi phạm hành chính 161 vụ/715 triệu đồng; 4 tháng đầu năm 2024 xử phạt vi phạm hành chính 31 vụ/490 triệu đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:
(i) Tiến độ kiểm tra, xác minh, xử lý các tàu cá vi phạm mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) còn chậm, không đảm bảo theo yêu cầu (Gồm: Số tàu mất kết nối do các huyện xử lý: Hoàng Mai 10 tàu/12 lượt; Quỳnh Lưu 12 tàu/12 lượt; Diễn Châu 01 tàu/01 lượt (thời gian mất kết nối trên 10 ngày, từ 01/10/2023 đến 24/01/2024); Số tàu mất kết nối do Biên phòng chịu trách nhiệm xử lý (từ 25/01/2024 đến 10/4/2024): Mất kết nối trên 10 ngày: 04 tàu/04 lượt, Mất kết nối trên 6 tháng: 115 tàu/115 lượt, Mất kết nối trên 6 giờ đến dưới 10 ngày mà không báo vị trí về bờ 115 tàu/422 lượt); (ii) Chưa hoàn thành 100% đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, an toàn thực phẩm, lắp thiết bị VMS theo quy định. Gồm có 107 tàu cá chưa thực hiện việc cấp/cấp lại giấy phép khai thác thủy sản (Hoàng mai: 28, Quỳnh Lưu: 36, Diễn Châu: 28, Nghi Lộc: 10, Cửa Lò: 05); Có 342 tàu chưa đăng kiểm (gồm: Hoàng Mai: 113 tàu; Quỳnh Lưu: 58 tàu, Diễn Châu: 127 tàu, Nghi Lộc: 09 tàu, Cửa Lò: 35 tàu); 33 tàu chưa lắp VMS (Hoàng Mai: 03 tàu, Quỳnh Lưu: 11 tàu, Diễn Châu: 17 tàu, Nghi Lộc: 01 tàu, Cửa Lò: 01 tàu); (iii) Vẫn còn tàu cá không duy trì thiết bị VMS 24/24h khi tham gia khai thác trên biển (mất kết nối quá 6 giờ: Hoàng mai 29 tàu/105 lượt; Quỳnh Lưu 85 tàu/316 lượt; Cửa Lò 01 tàu/01 lượt); (iv) Công tác rà soát, thống kê, quản lý đối nhóm tàu cá ”03 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) ở các địa phương còn hạn chế (cụ thể huyện Quỳnh Lưu báo cáo không có tàu không đăng ký nhưng thực tế còn có nhiều tàu không đăng ký/không biển số); (v) Công tác kiểm tra, giám sát tàu cá, thống kê sản lượng qua cảng chưa đầy đủ, chính xác, kịp thời (sản lượng thủy sản qua cảng được giám sát, năm 2023 đạt tỷ lệ 7,97%; Trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt tỷ lệ 30,53%); (vi) Vẫn còn tình trạng sử dụng xung điện, ngư cụ cấm, khai thác sai vùng (tại các xã Quỳnh Nghĩa, Tiến Thuỷ, Quỳnh Lưu; xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Châu);
Nguyên nhân của các tồn tại hạn chế nêu trên: (i) Tại một số địa phương (Hoàng Mai, Quỳnh Lưu) vẫn còn thiếu sự vào cuộc quyết liệt của cả Hệ thống chính trị; trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chưa thật sự cao; (ii) Các cấp chính quyền đặc biệt là chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức, nhất là công tác vận động, tuyên truyền cho người dân (Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thuỷ, Sơn Hải, Diễn Bích, Diễn Ngọc, Nghi Thuỷ); (iii) Công tác kiểm tra, xác minh tàu cá mất kết nối VMS mất nhiều thời gian (do tuỳ thuộc vào thời gian đi khai thác của ngư dân, thời gian cung cấp tài liệu chứng minh lỗi vi phạm của các đơn vị cung cấp tín hiệu giám sát...); (iv) Một bộ phận ngư dân chưa có ý thức cao trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, triển khai có hiệu quả trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới và chuẩn bị làm việc với Thanh tra EC lần 5; tôi đề nghị các các sở, ban, ngành, địa phương liên quan vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tập trung chỉ đạo, thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, đối với Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực BCĐ):
- Tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về chống khai thác IUU, trong đó Chủ tịch UBND cấp huyện là thành viên BCĐ, hoàn thành trước ngày 10/5/2024.
- Tham mưu UBND tỉnh các văn bản: (1) Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư; (2) Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 52 của Chính phủ; (3) Kế hoạch đón tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 5; yêu cầu hoàn thành trước ngày 10/5/2024. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh hình thức, chương trình tổ chức phù hợp để quán triệt nội dung Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư.  
- Chủ trì, phối hợp BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ dữ liệu tàu cá (bao gồm cả danh sách các tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, lắp đặt VMS), kể cả tàu cá xóa đăng ký; đảm bảo số liệu phải chính xác, khớp, thống nhất với dữ liệu trên hệ thống quốc gia VNFishbase. Dữ liệu tàu cá đảm bảo đầy đủ thông tin về tình trạng tàu, nguyên nhân...
- Lập danh sách tàu chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản, tàu cá hết hạn đăng kiểm, tàu cá chưa lắp thiết bị GSHT; cung cấp danh sách cho UBND huyện/thị xã, các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển để hướng dẫn các chủ tàu thực hiện các thủ tục theo quy định và xử lý khi có vi phạm.
- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổ chức trực ban 24/24 giờ để khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển.
- Cung cấp danh sách tàu cá mất kết nối VMS cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND cấp huyện để điều tra, xác minh và xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm theo quy định.
- Chỉ đạo Ban quản lý cảng cá, Tổ Liên ngành: Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát 100% sản lượng tại thực địa; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên cập cảng. Triển khai và hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp thực hiện truy xuất thủy sản khai thác điện tử (eCDT); cập nhật đầy đủ dữ liệu lên các cơ sở dữ liệu quốc gia VNFishbase, eCDT, VMS, cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính và các Googlesheet của Cục Thủy sản.
Thứ hai, đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
- Chủ trì, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm minh theo quy định đối với các tàu cá mất kết nối VMS từ ngày 25/01/2024 đến nay theo thông báo của Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cửa lạch, đảm bảo 100% tàu cá được đánh dấu, kẻ số đăng ký theo quy định. Đối với tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, không cho xuất lạch đi khai thác và yêu cầu chủ tàu không để ngư cụ, thiết bị, dụng cụ khai thác trên tàu.
- Cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vào Hệ thống phần mềm xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Cung cấp dữ liệu cho Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo.
- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển phối hợp chặt chẽ với BQL cảng cá tuyên truyền các chủ tàu cá sử dụng phần mềm eDCT để làm các thủ tục xuất, nhập lạch cho tàu cá.
Thứ ba, đối với UBND các huyện, thị xã; các xã, phường:
- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân liên quan. Phải vào cuộc quyết liệt, vận động chủ tàu/thuyền trưởng chấp hành nghiêm các quy định (lắp đặt, duy trì hoạt động GSHT, không vi phạm vùng biển nước ngoài, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, cập cảng cá chỉ định...).
- Chủ trì rà soát, cập nhật danh sách chủ tàu cá “03 không” có chiều dài lớn nhất từ 06m trở lên tại địa phương. Tổ chức làm việc với các chủ tàu chưa đủ điều kiện tham gia khai thác thuỷ sản để hướng dẫn làm các thủ tục theo quy định, nắm chắc vị trí neo đậu của các tàu cá này. Sau ngày 20/5/2024, địa phương nào để phát sinh tàu cá “03 không” thì đồng chí Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
- Tập trung nguồn lực, thành lập các Tổ công tác (mời lực lượng Công an địa phương cùng tham gia) thực hiện việc rà soát, kiểm tra, xác minh, xử phạt dứt điểm đối với tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên 10 ngày trên biển không đưa tàu vào bờ (từ 01/01/2023 đến ngày 24/01/2024) theo thông báo của Sở NN và PTNT. Cung cấp tài liệu cho Sở Nông nghiệp và PTNT để cập nhật lên Hệ thống phần mềm và tổng hợp báo cáo.
- Chỉ đạo UBND xã, phường cử cán bộ nắm chắc địa bàn, số lượng tàu cá của địa phương; nắm rõ, cập nhật hiện trạng hàng ngày đối với các tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản (tàu đang neo đậu ở đâu, tình trạng tàu…), lưu giữ hình ảnh tàu cá phục vụ quản lý.
- Chỉ đạo UBND các xã phường cử cán bộ thống kê sản lượng sản phẩm thuỷ sản bốc dỡ qua các bến cá tư nhân, đảm bảo nâng cao tỷ lệ sản lượng thuỷ sản được giám sát của toàn tỉnh.
Thứ tư, đối với các lực lượng gồm: Biên phòng, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển và cửa lạch đặc biệt thành lập các đoàn liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU trên vùng biển Nghệ An.
Thứ năm, đối với các cơ quan truyền thông (Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình…) tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm về công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 52 của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW; ưu tiên dung lượng và thời điểm phát sóng phù hợp với đại đa số ngư dân.
Thứ sáu, liên quan đến nội dung làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Châu Âu dự kiến vào cuối tháng 5, đề nghị các cơ quan, địa phương tập trung nguồn lực, bố trí địa điểm, cán bộ nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, báo cáo và trả lời các yêu cầu của Đoàn; rà soát, sắp xếp, cập nhật dữ liệu, lưu trữ hồ sơ cả bản giấy và trên phần mềm điện tử (tàu cá ra, vào cảng, sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, xác nhận, chứng nhân, truy xuất nguồn gốc, hồ sơ xử phạt...) đảm bảo khoa học, dễ truy xuất, cung cấp kịp thời theo yêu cầu của Đoàn (đặc biệt tại Cảng cá, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Tổ công tác Liên ngành, Biên phòng...)./.
Hình ảnh: Đồng chí Trần Xuân Học - Phó giám đốc sở NN&PTNT, phó trưởng Ban chỉ đạo IUU của tỉnh báo cáo kết quả thực hiện chống IUU

                                                                                                                                          Tin bài: Nguyễn Văn Trung
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây