Tuy nhiên, khai thác thủy sản quá mức, sử dụng ngư cụ hủy diệt và thiếu quản lý hiệu quả đang dẫn đến tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường biển, nguồn lợi thủy sản và sự phát triển bền vững của ngành, gây thiệt hại kinh tế hằng năm từ 10 - 23 tỷ USD.
Chùm bài “Tương lai Xanh cho nghề cá” do các phóng viên TTXVN tại nước ngoài thực hiện đã phác họa bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến chống khai thác IUU, kinh nghiệm trong việc gỡ “thẻ vàng” của các nước mà Việt Nam có thể học hỏi cùng quyết tâm hợp tác quốc tế để phát triển và khai thác bền vững nguồn lợi thủy hải sản.
Thái Lan đã thành công gỡ “thẻ vàng” vào năm 2019. Ảnh: PA
Bài 1: Quyết liệt hành trình “đổi màu”
Là một trong những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, Liên minh châu Âu (EU) có nhiều biện pháp mạnh ngăn chặn các sản phẩm bắt nguồn từ hoạt động khai thác IUU. Tuy nhiên, ước tính mỗi năm số lượng sản phẩm thủy sản bất hợp pháp nhập khẩu vào EU lên tới khoảng 500.000 tấn. Để đối phó với vấn đề này, từ năm 2008, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành một đạo luật được cho là nghiêm ngặt nhất trên thế giới chống khai thác IUU, quy định các nước thứ ba (không thuộc EU) xuất khẩu thủy hải sản sang EU hoặc cho tàu thuyền mượn cờ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về quản lý nghề cá. Đây được xem là một quy định “thay đổi cuộc chơi”, bởi nếu không đáp ứng được, các quốc gia có thể bị cảnh cáo “thẻ”, đồng nghĩa bị cấm xuất khẩu hải sản sang EU, thậm chí cấm tất cả sản phẩm hải sản do các tàu cá hoạt động dưới cờ của quốc gia đó khai thác được.
Tính đến tháng 5/2022, EC đã áp cảnh báo “thẻ vàng” và phạt “thẻ đỏ” với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Nhiều nước đã thành công “đổi màu” thẻ từ vàng sang xanh sau thời gian rất ngắn, chỉ trong vòng 10 tháng như Philippines.
Sau khi bị áp “thẻ vàng” vào tháng 6/2014, Philippines đã nhanh chóng sửa đổi hệ thống khung pháp lý, với trọng tâm là Luật Thủy sản, nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, cải tổ bộ máy quản lý nghề cá, tập trung vào tăng biên chế và ngân sách cho cơ quan thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động khai thác trên biển, đồng thời tập trung vào truy xuất nguồn gốc. Philippines cũng nâng cao trách nhiệm quốc tế trong chống khai thác IUU khi phê chuẩn Hiệp định nghề cá Liên hợp quốc (UNFSA) và xem xét phê chuẩn Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA). Với những thay đổi toàn diện, đến tháng 4/2015, Philippines được EU gỡ “thẻ vàng”. Không dừng lại ở đó, nước này hiện vẫn tiếp tục những nỗ lực bền bỉ để duy trì vị thế quốc gia có nghề cá bền vững và thân thiện với môi trường.
Được gỡ “thẻ vàng” cùng thời điểm với Philippines là Hàn Quốc. Dù hành trình xóa thẻ dài hơn, song nỗ lực của Seoul là rất đáng học hỏi. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ trưởng Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc Kang Do Hyung cho biết từ năm 2014, Hàn Quốc đã bắt buộc triển khai Hệ thống giám sát, kiểm tra, kiểm soát (MCS) trên tất cả các tàu đánh cá mang cờ nước này hoạt động ở vùng biển nước sâu. Cùng với đó, Hàn Quốc đã cải thiện đáng kể các luật và hệ thống quy định liên quan, tăng cường giám sát và thực thi xử phạt. Hành vi khai thác IUU bị trừng phạt nghiêm khắc như phạt tù tới 5 năm, hoặc phạt tiền ít nhất 500 triệu won (gần 450.000 USD).
Ngay trong vòng 7 tháng kể từ khi nhận “thẻ vàng”, Thái Lan, một trong những nước chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, đã ban hành Pháp lệnh Hoàng gia về Thủy sản B.E. 2558, một trong những luật thủy sản mạnh mẽ nhất trên thế giới. Ngoài ra, Thái Lan đã phát triển MCS, tích cực hợp tác quốc tế và tham gia các tổ chức quản lý nghề cá khu vực. Những biện pháp phòng, chống khai thác IUU hiệu quả đã giúp Thái Lan thành công gỡ “thẻ vàng” vào năm 2019. Đây cũng là tiền đề để nước Đông Nam Á khởi xướng chính sách quốc gia “Thái Lan không IUU.”
Biện pháp trấn áp IUU đang mang lại lợi ích cho nghề cá của Indonesia, nước xếp thứ sáu trong số 152 quốc gia về mức độ dễ bị tổn thương do đánh bắt IUU. Học giả Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) nhấn mạnh hoạt động đánh bắt cá của nước ngoài tại Indonesia đã giảm hơn 90% và tổng sản lượng đánh bắt giảm 25% kể từ năm 2014, khi chính phủ cấm tàu cá nước ngoài vào vùng biển của mình, cùng với các hạn chế khác. Indonesia cũng sử dụng công nghệ như Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và Hệ thống giám sát tàu (VMS).
Ông Beni Sukadis, chuyên gia, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi), nêu rõ Jakarta có các đạo luật yêu cầu giấy phép đánh bắt, báo cáo sản lượng đánh bắt và tuân thủ các hoạt động đánh bắt bền vững; chỉ định các lĩnh vực cấm đầu tư nước ngoài để bảo vệ nguồn tài nguyên biển địa phương; quy định về MCS đối với nghề cá, bao gồm các hệ thống giám sát tàu và theo dõi vệ tinh các tàu cá. Indonesia đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt đối với tàu cá nước ngoài đánh cắp cá ở vùng biển của mình, như bắt giữ tàu thuyền, ngư dân vi phạm và xử lý tại tòa án, phá hủy tàu thuyền nước ngoài bị bắt giữ.
Liên quan chủ đề này, Vụ trưởng Vụ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia, ông Adnan Hussain, cùng Giám đốc Trung tâm Đối ngoại và An ninh Hàng hải, bà Sumathy Permal cho phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur biết hoạt động đánh bắt trái phép tràn lan gây thiệt hại cho Malaysia từ 3 - 6 tỷ ringgit (637 triệu USD) mỗi năm với khoảng 980 tấn hải sản, chủ yếu là do ngư dân nước ngoài. Khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng đã tập trung hơn vào việc thực hiện MCS; ngư dân được khuyến khích sử dụng các thiết bị liên lạc và dẫn đường phù hợp, hỗ trợ họ trong hoạt động đánh bắt và ngăn chặn việc vô tình xâm phạm lãnh hải của các quốc gia khác. Cùng với đó, Malaysia xử lý nghiêm hành vi đánh bắt trái phép của tàu cá nước ngoài.
Tương tự như các nước Đông Nam Á, Australia cũng phải đối mặt với vấn nạn IUU. Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU vào năm 2005 và 2014; cấm các tàu nước ngoài đánh bắt thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc lãnh hải của Australia mà không có giấy phép hoạt động thủy sản. Giáo sư Stuart Kaye - Giám đốc Trung tâm Quốc gia Australia về an ninh và tài nguyên đại dương thuộc Đại học Wollongong, lưu ý Australia xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tịch thu lượng hải sản đánh bắt và tàu vi phạm; tăng cường giám sát các vùng biển; ưu tiên quản lý trữ lượng cá nội địa một cách bền vững, với hệ thống hạn ngạch có thể chuyển nhượng riêng.
Theo chuyên gia Vidal-Léon, từng là luật sư giải quyết tranh chấp tại bộ phận các vấn đề pháp lý và Ban thư ký Cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các nước đã luật hóa những khuyến nghị của EU, gồm giám sát thông qua các cơ chế giám sát vệ tinh; báo cáo phù hợp về sản lượng đánh bắt và khi một tàu/người vận hành vi phạm IUU, tàu đó sẽ không được phép cập cảng, thậm chí bị tịch thu tàu, chủ tàu phải nộp phạt và không được phép tiến hành các hoạt động đánh bắt..
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia đổi “màu thẻ” và ngăn chặn IUU thành công cho thấy việc thực thi pháp luật nghiêm minh, xây dựng quy định mới, cải thiện hệ thống giám sát, quản lý, thanh tra và truy xuất nguồn gốc, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển khai thác bền vững, cùng hợp tác quốc tế là những yếu tố quan trọng để được xóa “thẻ vàng”. Hơn nữa, không chỉ giành lại "thẻ xanh", những biện pháp này sẽ là động lực cho sự thay đổi hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm, đảm bảo khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển và đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong tương lai.
Đỗ Sinh - Hằng Linh - Đỗ Quyên - Khánh Vân - Thanh Tú - Anh Hiển - Phương Thịnh ( TTXVN)
Nguồn tin: Nguyễn Văn Trung - Sưu tầm:
Ý kiến bạn đọc