Các địa phương ven biển cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); đồng thời tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Đây là một trong những yêu cầu của Chính phủ đối với các địa phương tại Nghị quyết 44 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, vừa được ban hành.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan và các địa phương ven biển đẩy mạnh triển khai các giải pháp về chống khai thác IUU, khẩn trương xây dựng báo cáo về kết quả thực hiện IUU kể từ sau đợt kiểm tra lần thứ 4 (tháng 10-2023) đến nay.
Kết quả phải gửi Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) trước ngày 10-4 và chuẩn bị chu đáo để làm việc với Đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC và gỡ thẻ vàng trong năm 2024.
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đồng bộ dữ liệu nghề cá quốc gia (tàu đánh cá, chủ tàu và các thuyền viên trên tàu) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu. Việc này phải hoàn thành trước ngày 30-5.
Hai bộ này cũng cần phối hợp chuẩn bị hạ tầng và thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để liên thông dữ liệu đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thuỷ sản để khai báo lưu trú cho các thuyền viên, chủ tàu thuyền trên tàu cá. “Tích hợp sử dụng tài khoản VNelD đăng nhập và thực hiện các thủ tục về đăng ký tàu cá, khai thác thủy sản và hoàn thành trước 1-7-2024” – Chính phủ yêu cầu.
Mới đây, trong các ngày 8 và 9-4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Định về tình hình, kết quả chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU cũng như việc chuẩn bị kế hoạch đón, làm việc Đoàn thành tra EC lần thứ 5.
Tại các buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, ngư dân đều bày tỏ quyết tâm sẽ cùng chung tay gỡ thẻ vàng của EC và chống khai thác IUU. Song song đó là đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tàu cá đánh bắt vi phạm; hướng dẫn, gỡ vướng cho doanh nghiệp, ngư dân về giấy phép khai thác, xác nhận nguồn gốc thủy sản…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh việc chống khai thác IUU là câu chuyện của cả nước chứ không riêng của bất kỳ địa phương có biển nào. “Không phải vì tháo gỡ thẻ vàng IUU chúng ta mới thực hiện cấm đánh bắt trái phép mà đó là cơ hội tốt để Việt Nam định vị lại ngành thủy sản” – ông khẳng định.
Ngành thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng vào năm 2017. Kể từ đó, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, chương trình nhằm ngăn chặn và loại bỏ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Sau hơn sáu năm triển khai, nghề cá Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tốt và phát triển ngày càng bền vững hơn.
Nguồn tin: Nguyễn Văn Trung - Sưu tầm:
Ý kiến bạn đọc