NGƯ DÂN NGHỆ AN: CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC THỦY SẢN TỪ KHAI THÁC

Thứ ba - 08/07/2025 07:35 4 0
NGƯ DÂN NGHỆ AN: CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC THỦY SẢN TỪ KHAI THÁC
Trong bối cảnh nghề khai thác thủy sản ngày càng đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến yêu cầu minh bạch chuỗi cung ứng của các thị trường xuất khẩu, ngư dân Nghệ An đang dần thay đổi tư duy và cách làm. Không còn chỉ “nhìn trời đoán biển”, họ giờ đây đã biết sử dụng phần mềm, nhật ký điện tử để thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Những công cụ vốn tưởng chừng chỉ dành cho những người được trang bị đầy đủ kiến thức đang được tiếp sức bởi sự đồng hành sát sao của các cơ quan quản lý nhà nước, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của nghề cá địa phương.
Nghệ An hiện có hơn 3.000 tàu cá, trong đó khoảng 2.700 tàu có chiều dài từ 6m trở lên. Tổng sản lượng thủy sản 06 tháng đầu năm 2025 ước đạt 153.606 tấn/KH 269.000 tấn, đạt 57,1% so với kế hoạch năm, tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 114.733 tấn/KH 194.000 tấn, đạt 59,14% so với kế hoạch năm, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 104,3% so với mục tiêu phấn đấu.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT (Nay là Bộ Nông nghiệp & Môi trường), UBND tỉnh trực tiếp là Sở Nông nghiệp & Môi trường, Ban quản lý Cảng cá Nghệ An đã, đang triển khai thực hiện sử dụng phần mềm Truy xuất nguồn gốc điện tử thuỷ sản từ khai thác eCDT tại 04 cảng cá trực thuộc (Lạch Quèn, Quỳnh Phương, Lạch Vạn, Cửa Hội). Tính từ đầu năm 2024 cho đến nay, đơn vị đã kích hoạt gần 1.000 tài khoản eCDT cho các tàu cá trên 15m, thực hiện hơn 3.700 lượt tàu rời/cập cảng bằng phần mềm eCDT. Đối với mô hình nhật ký khai thác điện tử đơn vị đã và đang thử nghiệm từ đầu tháng 4/2025 cho 12 chủ tàu cá.

(Ngư dân đang kiểm tra lại sản lượng trên phần mềm eCDT)
 
Hiệu quả của chuyển đổi số chỉ thực sự rõ nét khi có sự đồng hành sát sao từ cơ quan quản lý. Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã phối hợp với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Cục Thủy sản tổ chức các lớp tập huấn sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử eCDT và nhật ký điện tử cho ngư dân tại các cảng cá trọng điểm như Lạch Quèn, Lạch Vạn, Lạch Cờn.
Không chỉ giới thiệu lý thuyết, cán bộ cảng còn trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, lên tận tàu, giúp ngư dân cài đặt phần mềm, kích hoạt tài khoản, nhập thông tin vè chủ tàu, thuyền trưởng, các thành viên trong chuyến biển và xử lý các tình huống thực tế. Cắt cử cán bộ thường xuyên có mặt tại cảng để hỗ trợ ngư dân thao tác phần mềm, xử lý lỗi, trục trặc thiết bị…
 
(Cán bộ cảng cá Lạch Quèn đang nhập sản lượng giám sát lên phần mềm eCDT)
 
Những hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại là không thể phủ nhận. Ngư dân không còn phải ghi chép, trình nộp giấy tờ thủ công, mà chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet là có thể khai báo mọi thông tin. Dữ liệu từ phần mềm giúp cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát được hành trình khai thác, sản lượng, chủng loại thủy sản… một cách chính xác, hạn chế gian lận, đặc biệt là với yêu cầu chống khai thác bất hợp pháp (IUU) hiện nay.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số vẫn còn vướng nhiều khó khăn thực tiễn. Phần lớn ngư dân còn hạn chế về kỹ năng sử dụng công nghệ. Nhiều người đã lớn tuổi, quen với việc “nói miệng, ghi tay”, nay phải dùng smartphone, kết nối mạng, tải ứng dụng… khiến không ít người loay hoay. Một số tàu vẫn chưa được trang bị thiết bị thông minh, hoặc có nhưng thiết bị cũ kỹ, chất lượng kém. Việc mua sắm để nâng cấp thiết bị vẫn là gánh nặng với nhiều chủ tàu. Phần mềm eCDT mang lại nhiều tiện ích thiết thực song quá trình triển khai vẫn gặp không ít khó khăn đó là: Nhiều ngư dân sử dụng chưa thành thạo phần mềm để gửi yêu cầu xuất cảng, rời cảng, cập nhật sản lượng khai thác, Chức năng ghi Nhật ký khai thác điện tử tích hợp trên phần mềm không sử dụng được do yêu cầu phải có kết nối internet, trong khi tàu cá khai thác xa bờ thì không thể có internet.  
Trong tương lai gần cùng với công cuộc chuyển đối số, nhiều phần mềm, nhiều tiện ích sẽ tiếp tục được nâng cấp giúp ngư dân thực hiện thuận tiện hơn, chính xác hơn và cũng từ đó giúp các cơ quan quản lý chuyên ngành nắm bắt, thực hiện, hỗ trợ tiếp tục cho ngư dân bám biển bảo vệ an ninh vùng biển tổ quốc, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội..

                                       Nguồn tin: Phan Tiến Chương - Giám đốc Ban quản lý cảng cá Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây