Ngư trường là nguồn sống chính của ngư dân. Tuy nhiên, theo thời gian, nguồn tài nguyên biển đang dần cạn kiệt. Sự khai thác quá mức cùng với việc thiếu các biện pháp quản lý bền vững đã khiến số lượng cá, tôm, và các loài sinh vật biển giảm sút đáng kể. Điều này dẫn đến tình trạng mất mùa, khiến nhiều ngư dân phải ra khơi trở về mà lưới gần như trống trơn. Các tàu thuyền đánh bắt xa bờ cũng không còn đảm bảo được sản lượng như trước đây, buộc ngư dân phải tiêu tốn nhiều thời gian, nhiên liệu mà thu hoạch lại không đủ để bù đắp chi phí. Anh Hồ Sư Hải, chủ tàu NA-91999-TS chia sẻ: Trong chuyến này (từ ngày 01/10/2024 đến 11/10/2024), tàu chúng tôi khai thác chỉ được hơn 20 khay cá, không biết lấy chi phí đâu để bù tiền dầu, tiền công, tiền nợ ngân hàng khi mua tàu.
Tàu về kín bến cảng Lạch Quèn nhưng không có sản lượng để bốc dỡ
Không chỉ đối mặt với ngư trường cạn kiệt, thời tiết khắc nghiệt cũng là một yếu tố gây khó khăn lớn cho ngư dân. Gió mùa đông bắc mạnh mẽ, kéo dài liên tục trong nhiều ngày, khiến việc ra khơi trở nên nguy hiểm.
Chủ tàu NA-960613-TS, anh Bùi Thêm cho biết: “Mấy năm trước, mỗi chuyến ra khơi thường có thể thu về hàng tấn cá, nhưng năm nay, dù đi xa hơn và lâu hơn, sản lượng thu hoạch chỉ đạt khoảng 40% so với trước đây. Không chỉ cá lớn mà ngay cả các loài cá nhỏ cũng ngày càng hiếm thấy."
Thuyền về nhưng rất “sạch”
Cùng với việc mất mùa, ngư dân còn phải đối mặt với tình trạng giá thủy sản giảm mạnh. Dưới áp lực từ nguồn cung khan hiếm và sự thay đổi của thị trường, giá bán cá, tôm và các loại thủy sản khác liên tục tụt giảm. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn: ngư dân đánh bắt ít sản phẩm hơn, nhưng khi bán được thì giá trị lại thấp, khiến thu nhập càng bị giảm sút.
Anh Võ Văn Giảng chủ tàu cá NA-93334-TS chia sẻ rằng: “Công việc đánh bắt ngày càng khó khăn, chưa kể giá bán thì quá thấp. Chúng tôi ra khơi tốn kém rất nhiều chi phí nhiên liệu, công sức, nhưng khi vào bờ lại không đủ để bù đắp cho chuyến đi."
Mất mùa và mất giá không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân mà còn đẩy họ vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều ngư dân đã phải vay mượn để sửa chữa tàu thuyền sau các chuyến biển hoặc mua sắm trang thiết bị mới, nhưng với tình hình hiện tại, việc trả nợ dường như là điều khó khăn đối với họ.
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân địa phương thì việc mất mùa khai thác cũng đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến các dịch vụ đi kèm như nguyên liệu, cơ khí sửa chữa, lương thực thực phẩm… Đồng thời làm ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch hàng tháng của các cảng cá.
Để đối phó với tình trạng hiện tại, các chuyên gia cho rằng cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong việc quản lý tài nguyên biển. Một trong những giải pháp đề xuất là tăng cường các biện pháp bảo vệ và phục hồi ngư trường, bao gồm việc áp dụng các mô hình khai thác bền vững và hạn chế khai thác quá mức.
Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân nhưtrợ giá nhiên liệu, và tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, việc đầu tư vào công nghệ đánh bắt hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả khai thác và giảm thiểu tác động đến môi trường biển cũng là một hướng đi cần thiết.
Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho ngư dân về kỹ năng đánh bắt an toàn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay. Việc mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản công nghệ cao có thể là một phương án thay thế giúp giảm áp lực lên việc đánh bắt truyền thống, đồng thời gia tăng thu nhập ổn định cho ngư dân.
Ngư dân đang đứng trước một trong những thách thức lớn nhất trong cuộc đời đánh bắt. Mất mùa, mất giá, và những khó khăn về thời tiết đã khiến họ gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của chính quyền và những giải pháp quản lý bền vững, hy vọng rằng ngành thủy sản sẽ sớm vượt qua khó khăn này, giúp ngư dân ổn định sinh kế và bảo vệ nguồn lợi biển trong tương lai.
Nguồn tin: Trần Quang Khải – Cảng cá Lạch Quèn