Chúng tôi có mặt tại Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Quèn (Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, BĐBP Nghệ An) để chứng kiến việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện xuất, nhập lạch. Tại đây, cán bộ chiến sỹ Trạm hối hả kiểm tra các loại giấy tờ, thủ tục phương tiện ra, vào theo quy định. Không những kiểm tra đảm bảo thủ tục tại Trạm, cán bộ phụ trách còn lên từng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát thực tế, nhắc nhở, lưu ý bà con ngư dân tuyệt đối không vi phạm các quy định khi khai thác, hoạt động trên biển. Theo Đại úy Trương Công Cường, Trạm trưởng Trạm kiểm soát cho biết: Tất cả các phương tiện xuất, nhập lạch đều được quản lý, đăng ký theo dõi chặt chẽ. Duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát, đăng ký kiểm chứng đảm bảo “07 kiểm, 1 chứng” thì mới được xuất, nhập cửa lạch. Anh Hồ Văn Chung chủ phương tiện NA 97888 TS, có công suất hơn 500 CV, cư trú tại thôn Minh Sơn, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, chia sẻ: Tàu tôi có 12 thuyền viên chuyên nghề lưới chụp, chúng tôi chỉ khai thác tại vùng biển Việt Nam, không sang vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy sản.
Địa bàn do Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận quản lý gồm 19,5 km bờ biển và 09 xã, trong đó có 02 cửa lạch (lạch Quèn và lạch Thơi), có 715 phương tiện/4.328 lao động khai thác thủy sản trên biển. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp có hiệu quả với địa phương, các lực lượng chức năng liên quan tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Luật Thủy sản 2017, triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về khai thác IUU. Tuyên truyền trên loa phát thanh của xã được 27 đợt, tổ chức tuyên truyền tập trung tại các thôn, xóm cho ngư dân được 18 buổi/334 lượt người tham gia, phát 2.550 tờ rơi và tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại Trạm kiểm soát Biên phòng khi các phương tiện xuất, nhập cửa lạch. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát, kiểm chứng cho 7.762 lượt phương tiện/75.842 lượt lao động. Trong đó: Làm thủ tục xuất: 3.878 phương tiện/38.016 lao động; Nhập 3.884 phương tiện/37.826 lao động. Tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Tập trung vào các hành vi vi phạm các quy định về thủ tục giấy tờ, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn; vi phạm luồng lạch, sử dụng ngư lưới cụ không theo quy định và sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ trái phép... để đánh bắt hải sản.
Trung tá Nguyễn Ngọc Thìn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, cho biết: Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền cho ngư dân để thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thì chúng tôi tăng cường tần suất tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất bến, cập bến, kiên quyết không cho xuất bến khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ và các các trang thiết bị theo quy định, không đảm bảo các điều kiện an toàn cho người, phương tiện và các quy định khác có liên quan, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã xử lý 42 vụ/42 đối tượng. Trong đó: Đơn vị tiến hành xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) 30 vụ/30 đối tượng/30 phương tiện tổng số tiền 198.500.000 đồng nộp kho bạc nhà nước theo quy định. Hoàn chỉnh hồ sơ, tham mưu Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh ra quyết định xử phạt VPHC 12 vụ/12 đối tượng, số tiền 300.000.000 đồng.
BĐBP tỉnh Nghệ An có nhiệm vụ quản lý 82 km bờ biển, địa bàn gồm 05 huyện, thị (Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Hoàng Mai), với 34 xã, phường, có 76.752 hộ dân/327.527 nhân khẩu; có các cảng Cửa Lò, cảng Bến Thuỷ, cảng quốc tế Vissai và cảng xăng dầu DKC, Nghi Hương, Hưng Hòa, 02 đảo (Hòn Ngư và Hòn Mắt), 06 cửa sông, cửa lạch (Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội). Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng số 3.393 phương tiện với 16.608 lao động khai thác thủy hải sản trên biển.
Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã thường xuyên chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển phối hợp có hiệu quả với các cấp, các ngành, địa phương và các lực lượng chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến cho ngư dân các văn bản như Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, các văn bản quy định về chống khai thác IUU… Hướng dẫn ngư dân thực hiện việc ghi chép, nộp nhật ký, báo cáo khai thác, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; không vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định. Trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh của phường, xã được 274 đợt, tổ chức tuyên truyền tập trung tại các thôn, xóm cho ngư dân 378 buổi/5.630 lượt người tham gia; cấp phát 5.992 tờ rơi và tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các Trạm kiểm soát Biên phòng khi các phương tiện xuất, nhập cửa sông, cửa lạch. Đồng thời, BĐBP tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hiệp đồng tập trung làm tốt công tác nắm tình hình trên biển, chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ tiến hành điều tra cơ bản, hồ sơ theo dõi các tàu cá có “nguy cơ cao” để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng hiệp đồng tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch, bến neo đậu tàu thuyền và trên biển được 386 đợt/1.159 lượt người tham gia, đăng ký kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến được 87.192 lượt phương tiện/286.837 lượt lao động ra vào cửa sông, cửa lạch đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý 69 vụ/103 đối tượng/103 phương tiện vi phạm các quy định về hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển Nghệ An, xử phạt VPHC 728.500.000 đồng. Tang vật thu giữ: 18 bộ công cụ kích điện; 96m dây điện.
BĐBP Nghệ An cùng địa phương tổ chức truyền thông phòng chống khai thác IUU và tổ chức cho ngư dân ký cam kết không khai thác thủy sản trái phép. Ảnh: Lê Thạch. |
BĐBP tỉnh Nghệ An đã chủ trì phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện, thị xã ven biển tham mưu cho UBND tỉnh điều tra, xác minh, xử lý 06 vụ/26 phương tiện của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, ra quyết định xử phạt VPHC tổng cộng 650.000.000 đồng; tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng 04 tháng 15 ngày đối với 02 chủ phương tiện.
BĐBP Nghệ An còn thường xuyên chủ động nắm và trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến công tác bảo vệ biên giới trên biển, thực thi pháp luật về thuỷ sản, quy định chống khai thác IUU, đặc biệt là thông tin tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Nghệ An và tàu cá Nghệ An xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản với Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển I, Hải đoàn 38 BĐBP và BĐBP các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh; Phối hợp duy trì hoạt động có hiệu quả các Tổ công tác Liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá, trên cơ sở đó tổ chức duy trì tốt công tác phối hợp giữa Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá để tiến hành kiểm tra việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản kiểm tra, kiểm soát việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước không vi phạm về khai thác IUU tại cảng cá, đồng thời củng cố hồ sơ, tài liệu phục vụ kiểm tra của EC về khai thác hải sản.
Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An nhận định: “Nhờ những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, tình hình tàu cá ngư dân Nghệ An vi phạm khai thác IUU có nhiều chuyển biến tích cực. Và với quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có lực lượng BĐBP Nghệ An, tôi tin rằng tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định sẽ có chuyển biến tích cực đi đến chấm dứt trong thời gian tới”./.
Nguồn tin: Nguyễn Văn Trung - Sưu tầm:
Ý kiến bạn đọc