BÁO CÁO Kết quả triển khai nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tháng 9/2023

Thứ ba - 19/09/2023 21:31 436 0
Thực hiện Công văn số 2316/BNN-TCTS ngày 15/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công văn số 2032/UBND-NN ngày 29/3/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An về IUU) báo cáo kết quả triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tỉnh Nghệ An trong tháng 9/2023 (từ ngày 18/8/2023 đến 18/9/2023) như sau:
BÁO CÁO Kết quả triển khai nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tháng 9/2023
I. TÌNH HÌNH KHAI THÁC THỦY SẢN CỦA ĐỊA PHƯƠNG
1. Tổng quan chung
Nghệ An có chiều dài bờ biển trên 82 km, diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển có 6 cửa lạch thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cũng như neo đậu tránh trú ẩn. Với vị trí địa lý kinh tế - chính trị hết sức thuận lợi, vùng biển được xem là một cửa ngõ quan trọng, là “mặt tiền” không chỉ riêng của Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung Bộ, là cầu nối thực hiện các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế. Nghệ An xác định phát triển vùng biển trở thành vùng kinh tế mũi nhọn, trong đó ưu tiên phát triển các ngành: dịch vụ cảng biển; dịch vụ du lịch biển; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản.
Với những tiềm năng sẵn có, cùng các chính sách hỗ trợ, sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương xuống địa phương và sự nỗ lực của người dân có thể nói trong những năm qua, kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng có những bước phát triển đáng ghi nhận. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đến cuối năm 2022: Nông nghiệp: 77,52%, lâm nghiệp: 6,18%, ngư nghiệp: 16,30%. Tỷ trọng của ngành khai thác trong ngành thủy sản chiếm 63%.
2. Tàu cá, lao động khai thác thủy sản
 - Số lượng tàu cá thực tế, cơ cấu theo chiều dài tàu, theo nghề khai thác:
Toàn tỉnh có 3.374 tàu thuyền khai thác thủy sản. Trong đó, tàu cá thuộc diện phải đăng ký (có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên) đến ngày 14/9/2023 là 2.477 chiếc.
Nghề khai thác hải sản khá đa dạng, với nhiều loại ngư lưới cụ, tập trung chủ yếu vào 07 nhóm nghề. Trong tổng số 2.477 chiếc tàu cá thuộc diện phải đăng ký thì nghề lưới Kéo với 687 tàu (chiếm 27,74% tổng số), nghề lưới Vây với 141 tàu (chiếm 5,69% tổng số), nghề lưới Rê với 840 tàu (chiếm 33,91% tổng số), nghề Câu với 152 tàu (chiếm 6,14% tổng số), nghề Chụp với 497 tàu (chiếm 20,06% tổng số), nghề dịch vụ hậu cần với 32 tàu (chiếm 1,29% tổng số) và nghề khác với 128 tàu (chiếm 5,17% tổng số). Cơ cấu các nghề khai thác từng bước ổn định về số lượng tàu và phát triển chiều sâu
- Lao động khai thác thủy sản
Lao động khai thác thủy sản không ngừng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, đến 14/9/2023 số lượng lao động tham gia khai thác thủy sản toàn tỉnh trên 17.000 người. Trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 8.447 người, số lao động khai thác vùng lộng là 3.109 người, số lao động khai thác vùng ven bờ là 5.143 người. Trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 8.453 người, số lao động khai thác vùng lộng là 3.109 người, số lao động khai thác vùng ven bờ là 5.143 người. Hàng năm có khoảng 700 ngư dân được đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ các chức danh lao động trên tàu cá theo quy định. Hiện tỷ lệ thuyền viên đã có chứng chỉ chuyên môn đạt trên 90% số lượng. Tuy nhiên, do hiệu quả hoạt động khai thác thời gian gần đây không ổn định, không đảm bảo nguồn thu nhập, đặc biệt là rủi ro cao nên nhiều lao động đã chuyển đổi sang các nghề sản xuất khác, chủ tàu phải thuê lao động mới nên xảy ra tình trạng một số tàu cá còn thiếu chứng chỉ chuyên môn.
3. Sản lượng khai thác
- Tổng sản lượng khai thác năm 2022 đạt 201.198,1 tấn, giá trị đạt 4.788,07 tỷ đồng, trong đó khai thác biển đạt 193.885,3 tấn, bằng 106,53% so với kế hoạch năm, bằng 100,47% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng đạt 7.312,8 tấn, bằng 146,26% so với kế hoạch năm, bằng 105,68% so với cùng kỳ năm trước.
- Kế hoạch năm 2023: Sản lượng khai thác: 192.000 tấn, trong đó: khai thác biển: 187.000 tấn, khai thác nội đồng: 5.000 tấn.
- Sản lượng khai thác thủy sản trong tháng 9/2023 ước đạt 16.006 tấn, giá trị ước đạt 476,7 tỷ đồng; trong đó khai thác biển đạt 15.342 tấn, bằng 8,20% so với kế hoạch năm, bằng 102,99% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng đạt 664 tấn, bằng 13,28% so với kế hoạch năm, bằng 102,95% so với cùng kỳ năm trước.
- Lũy kế đến 14/9/2023, sản lượng khai thác đạt 160.776/KH 192.000 tấn, giá trị ước đạt 3.795,3 tỷ đồng, đạt 83,74% so với kế hoạch năm, bằng 103,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khai thác biển đạt 155.298 tấn, bằng 83,05% so với kế hoạch năm, bằng 104,01% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng đạt 5.478 tấn, bằng 109,56% so với kế hoạch năm, bằng 102,91% so với cùng kỳ năm trước.
4. Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá
- Về cảng cá: đã có 04 cảng cá được Nhà nước đầu tư xây dựng (gồm cảng cá Quỳnh Phương, cảng cá Lạch Quèn, cảng cá Lạch Vạn và cảng cá Cửa Hội). Đến thời điểm hiện tại, cả 4 cảng cá trên đã được tỉnh Nghệ An công bố mở cảng, đều là cảng cá loại II. Trong số các cảng cá này, đã có 03 cảng cá được công bố là cảng cá chỉ định, có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
- Về khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: Nghệ An được quy hoạch 05 khu neo đậu tránh trú bão (KNĐTTB) với tổng sức chứa cho tàu cá vào tránh trú bão là 3.100 chiếc; trong đó có 01 KNĐTTB cấp vùng và 04 KNĐTTB cấp tỉnh.
Đến nay, cả 05 KNĐTTB cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố đủ điều kiện hoạt động với tổng sức chứa đạt 2.000 tàu thuyền các loại, bằng 65% công suất neo đậu so với quy hoạch.
II. KẾT QUẢ CHỐNG KHAI THÁC IUU CỦA ĐỊA PHƯƠNG
1. Chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh
- Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU như: Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị VMS, bố trí nguồn lực tại cảng cá…; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao để tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 265/CĐ-TTg.
- Thực thi Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, UBND tỉnh ban hành 62 văn bản để chỉ đạo, điều hành công tác chống khai thác IUU, giao trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị ven biển.
- Chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục các tồn tại, hạn chế sau khi có Kết luận của Đoàn kiểm tra Bộ Nông nghiệp và PTNT về công tác chống khai thác IUU tại Nghệ An.
- Tăng cường công tác phối kết hợp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU giữa các lực lượng, chính quyền địa phương; ký kết quy chế, kế hoạch phối hợp thực hiện giữa  các địa phương và lực lượng liên quan. 
Nhờ làm tốt công tác phối kết hợp đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, nêu cao được tinh thần trách nhiệm của các bên liên quan, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, từ đó nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU.
2. Hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An về IUU
Ban chỉ đạo tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo IUU) được thành lập tại Quyết định số 3787/QĐ-UBND ngày 26/9/2019 của UBND tỉnh Nghệ An; hoạt động theo Quy chế được ban hành tại Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 13/01/2020 của UBND tỉnh Nghệ An. Ban chỉ đạo IUU tỉnh được kiện toàn kịp thời khi có sự thay đổi thành viên.
- Thực hiện Quy chế hoạt động, trong gần 6 năm qua, Ban chỉ đạo IUU đã:
+ Tổ chức, tham gia 18 cuộc họp, kiểm tra để đánh giá tình hình, kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Kết luận mỗi cuộc họp được UBND tỉnh kịp thời ban hành thông báo để các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan quán triệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
+ Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) hàng năm tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra tại các địa phương, Tổ Liên ngành, Cảng cá (16 đoàn) và kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức triển khai Luật Thủy sản, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
+ Thực hiện các Thông báo kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, Ban Chỉ đạo IUU tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị ven biển thực hiện nghiêm túc, trong đó yêu cầu người đứng đầu đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng vi phạm khai thác IUU diễn ra.
+ Chỉ đạo 05 (năm) huyện/thị xã ven biển thành lập Ban Chỉ đạo về IUU để chỉ đạo công tác IUU tại địa phương được tập trung và sâu sát hơn.
+ Ban hành Kế hoạch số 997/KH-BCĐ ngày 27/3/2023 về Kế hoạch Đoàn công tác Ban chỉ đạo về IUU tỉnh làm việc với UBND các huyện, thị xã, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Cảng cá về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Công tác tổ chức, bộ máy và phân công nhiệm vụ chống khai thác IUU trong những năm qua được UBND tỉnh Nghệ An thực hiện nghiêm túc, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở Ban Ngành liên quan. Ngoài hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản (gồm: Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản & thủy sản, Ban quản lý Cảng cá Nghệ An và UBND  các huyện, thành, thị) còn có Ban chỉ đạo chống khai thác IUU cấp tỉnh, cấp huyện; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Sở Ngoại vụ; Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh và 04 Tổ liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá đặt tại 4 cảng cá (Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Vạn, Lạch Hội).
3. Kết quả thực hiện
3.1. Công tác quản lý tàu cá
- Việc công bố hạn ngạch giấy phép khai thác vùng lộng, ven bờ và ban hành tiêu chí đặc thù của địa phương; hạn ngạch giấy phép vùng khơi được giao được thực hiện tại Quyết định số 5423/QĐ-UBND ngày 27/12/2019 về việc công bố hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển tại vùng lộng và vùng ven bờ của tỉnh Nghệ An và Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND ban hành Quy định tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An (đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 39/2022/QĐ-UBND ngày 08/8/2022).
Trên cơ sở hạn ngạch được phân bổ, Nghệ An được cấp 1.242 Giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi; 654 Giấy phép khai thác vùng lộng; 1.953 Giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ với các nghề sau: lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, chụp, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, lồng bẫy và nghề khác.
- Kết quả thực hiện đăng ký tàu cá, đăng kiểm; đánh dấu tàu cá; cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm:
+ Công tác đăng ký tàu cá: Số giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đã cấp trong tháng 9/2023 (đến ngày 14/9/2023) là 22 chiếc. Đến nay, tổng số tàu cá toàn tỉnh đã được cấp đăng ký 2.477 chiếc, bằng 100%.
Ngoài các tàu cá đã được thống kê, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu làm thủ tục xóa đăng ký đối với các tàu cháy, chìm, giải bản, thuộc diện mất tích và bán ngoại tỉnh chưa làm thủ tục xóa đăng ký đồng thời đảm bảo các tàu đã bị xóa đăng ký không tham gia hoạt động khai thác tại địa phương (đến 14/9/2023, toàn tỉnh có 184 tàu cá thuộc các trường hợp cháy, chìm, giải bản, thuộc diện mất tích và bán ngoại tỉnh chưa làm thủ tục xóa đăng ký).
+ Công tác đăng kiểm tàu cá: số tàu còn hạn đăng kiểm là 1.164/1.660 chiếc thuộc diện phải đăng kiểm, đạt 70,12% số tàu ≥ 12m, đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác.   
+ Công tác đánh dấu tàu cá: Hiện tại công tác đánh dấu tàu cá tại các địa phương đã được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định.
+ Cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá:  Đã cấp trong tháng 9/2023 là: 81 tàu (cấp mới 75 tàu, cấp lại 06 tàu). Tính đến ngày 17/9/2023 số tàu cá đã cấp giấy chứng nhận ATTP còn hạn là 863/1.121 tàu, đạt 76,98% so với tổng số tàu cá phải cấp.
- Kết quả thực hiện quản lý, cấp giấy phép khai thác thủy sản:
+ Trong tháng 9/2023 đã cấp lại 21 giấy phép. Đến nay tổng số tàu đã cấp phép đang còn hạn 2.226/2.477 tàu, đạt 89,87% số tàu ≥ 6m, đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác. (Chi tiết tại phụ lục 1 kèm theo).
Bên cạnh đó, trong tháng 9/2023 Chi cục Thủy sản đã tiến hành thu hồi 01 Giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá đã xóa đăng ký.
- Kết quả thực hiện cập nhật dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase: Việc cập nhật dữ liệu tàu cá lên phần mềm VNFishbase được thực hiện thường xuyên và đầy đủ. Tổng số tàu cá đã cập nhật lên phần mềm đạt 100% tổng số tàu cá đã đăng ký.
3.2. Kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá
- Tính đến ngày 14/9/2023, tỉnh Nghệ An có 1.073/1.121 tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT, đạt tỷ lệ 95,72%.
- Số tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt VMS: 48 chiếc, chiếm tỷ lệ 4,28%.  (Danh sách các tàu cá chưa lắp thiết bị VMS tại Phụ lục 3 kèm theo)
3.3. Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS
* Công tác tổ chức trực theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá:
Tổ chức trực ban 24/24 giờ tại Trạm bờ - Chi cục Thủy sản nhằm theo dõi, thông tin cho chủ tàu cá về việc tàu mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển, yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật; tổng hợp, lập danh sách và trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để phối hợp, xử lý.
* Kết quả theo dõi, xử lý:
- Số liệu tàu cá mất kết nối GSHT trên biển:
Trong tháng 9/2023, số tàu cá mất kết nối VMS trên biển là 1.654 lượt tàu (tàu cá có Lmax từ 15m - 24m: 738 lượt tàu; tàu cá có Lmax từ 24m trở lên: 916 lượt tàu). Trong đó, số tàu cá mất kết nối quá 10 ngày trên biển là 46 lượt tàu (tàu cá có Lmax từ 15m - 24m: 19 lượt tàu; tàu cá có Lmax ≥ 24m: 27 lượt tàu).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023: tổng số tàu cá mất kết nối VMS trên biển là 13.374 lượt tàu (tàu cá có Lmax từ 15m - 24m: 5.855 lượt tàu, tàu cá Lmax từ 24m trở lên: 7.519 lượt tàu). Trong đó số tàu cá mất kết nối quá 10 ngày trên biển là: 365 lượt tàu (tàu cá có Lmax từ 15m - 24m: 241 lượt tàu; tàu cá có Lmax ≥ 24m: 124 lượt tàu).
+ Nguyên nhân: Thiết bị GSHT bị hỏng, hoạt động chập chờn; nguồn điện cung cấp cho thiết bị GSHT hoạt động bị hỏng, một số tàu cá khi gặp thời tiết xấu trên biển nên chủ tàu ngắt hệ thống điện để đảm bảo an toàn, chống cháy nổ, tàu về cảng kết thúc chuyến biển nên chủ tàu tắt nguồn thiết bị, hết hạn cước thuê bao....
+ Biện pháp xử lý: Đối với trường hợp tàu cá mất kết nối, cán bộ trực ban sẽ liên lạc để nhắc nhở, yêu cầu các tàu cá kiểm tra lại thiết bị, duy trì hoạt động thiết bị Giám sát hành trình 24/24 từ khi rời cảng đến khi cập cảng theo đúng quy định. Ngoài ra, phát thông báo qua kênh đàm thoại 7918.KHz định kỳ, thường xuyên.
Riêng đối với nhóm tàu cá mất kết nối quá 10 ngày: Bước đầu, các cơ quan, đơn vị đã có những biện pháp xử lý: (i) Lập biên bản nhắc nhở; yêu cầu chủ tàu khắc phục, cam kết duy trì hoạt động GSHT theo đúng quy định và chấp hành các quy định khác về hoạt động khai thác hải sản; (ii) Yêu cầu cảng cá không cho tàu cá bốc dỡ thủy sản, xuất lạch khi chưa có biên bản giải trình, làm rõ lý do mất kết nối, chưa nạp cước thuê bao duy trì hoạt động GSHT theo quy định; (iii) Yêu cầu các đơn vị cung cấp GSHT kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị GSHT để làm rõ nguyên nhân tàu cá mất kết nối.
Số tàu cá mất kết nối GSHT quá 10 ngày đã xử lý: 305/365 lượt tàu, chưa xử lý: 60 lượt tàu.
- Số liệu tàu cá vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển:
Trong tháng 9/2023, số tàu cá vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển là 07 lượt tàu (tàu cá có Lmax từ 15m - 24m: 04 lượt tàu, tàu cá có Lmax từ 24m trở lên: 03 lượt tàu).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023: số tàu cá vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển 115 lượt (tàu cá có Lmax từ 15m - 24m: 41 lượt tàu, tàu cá có Lmax từ 24m trở lên: 74 lượt tàu).
+ Nguyên nhân: Do ngư trường khai thác xa nên các tàu cá chạy tắt qua đường ranh giới để tiết kiệm nhiên liệu, một số tàu cá bị hỏng thiết bị định vị, hỏng máy thả trôi tàu nên bị trôi dạt qua đường ranh giới cho phép trên biển...
+ Biện pháp xử lý: Cán bộ trực ban liên lạc với chủ tàu/thuyền trưởng và yêu cầu tàu cá quay lại vùng hoạt động theo quy định; tuyên truyền nhắc nhở thuyền trưởng không khai thác ở vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, phát thông báo qua kênh đàm thoại 7918.KHz định kỳ, thường xuyên.
Phối hợp với lực lượng Biên phòng cung cấp dữ liệu để xử lý đối với những tàu cá vi phạm theo quy định.
 (Danh sách chi tiết tại các Phụ lục 4, 5 và 6 kèm theo)
3.4. Về kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng
- Công tác tổ chức kiểm tra, giám sát của BQL cảng cá: Ban Quản lý cảng cá Nghệ An có 04 cảng cá gồm: Cảng cá Cửa Hội, Lạch Vạn, Lạch Quèn, Quỳnh Phương. Tổng số cán bộ, công nhân viên chức toàn Ban Quản lý cảng cá là 30 người, nhân lực tại mỗi cảng từ 5-7 người/cảng. Tại 04 cảng cá được đầu tư các trang thiết bị (hệ thống camera, điện thoại, máy tính, bộ đàm...) để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tàu cá qua cảng. Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá tại cảng cá về cơ bản đã được tổ chức triển khai theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT.
- Kết quả thực hiện kiểm tra, giám sát tại cảng cá:
+ Số lượt tàu thông báo cập cảng tháng 9/2023 là 438 lượt; số lượt tàu được giám sát là 438 lượt tàu với sản lượng được giám sát là 828,88 tấn.
Lũy kế 9 tháng năm 2023: Số lượt tàu thông báo cập cảng là 2.617 lượt; số lượt tàu được giám sát là 2.598 lượt với sản lượng được giám sát là 3.855,49 tấn.
+ Việc ghi, nộp nhật ký dần được cải thiện hơn, ngư dân đã chủ động ghi nhật ký khai thác và nộp cho cảng cá khá kịp thời, tuy nhiên chất lượng nhật ký khai thác chưa cao (vẫn còn tình trạng ghi số mẻ khai thác ít, số lượng không chính xác, thiếu thông tin,..). Cảng cá đã tiếp nhận và kiểm tra các thông tin trong nhật ký khai thác, đảm bảo nhật ký khai thác đầy đủ theo đúng quy định. Trong tháng 9/2023 đã thu được 417 nhật ký KTTS. 9 tháng đầu năm 2023 đã thu: 2.348 nhật ký.
- Công tác tổ chức kiểm tra, xử phạt VPHC của văn phòng IUU tại cảng:
Hiện có 04 Tổ công tác Liên ngành được bố trí tại 04 cảng cá, mỗi tổ có 5-7 người gồm các lực lượng: Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Cảng cá. Các Tổ công tác Liên ngành thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch Thanh tra, kiểm soát nghề cá do UBND tỉnh ban hành, Thông tư số 21/2018/ TT-BNNPTNT, TT01/2022/TT-BNNPTNT.
* Kết quả kiểm tra của các Tổ:
- Trong tháng 9/2023 các Tổ đã kiểm tra 345 lượt tàu rời cảng, kiểm tra 329 lượt tàu cá cập cảng với tổng sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá là 678,4 tấn.
- Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023: các Tổ đã kiểm tra 2.202 lượt tàu rời cảng, kiểm tra 1.904 lượt tàu cá cập cảng với tổng sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng 3.167,30 tấn.
* Về xử phạt: Đối với các tàu cá mất kết nối GSHT, sau khi có Thông báo của Chi cục Thủy sản, các Tổ công tác Liên ngành đã phối hợp với Đồn Biên phòng, Chính quyền địa phương làm việc với các chủ tàu cá để xác định nguyên nhân và có biện pháp nhắc nhở và cam kết không tái phạm.
3.5. Về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác
Đến nay, Cảng cá và Chi cục Thủy sản chưa nhận được hồ sơ của các tổ chức, cá nhân nào yêu cầu biên nhận, cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.
3.6. Về thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm
- Công tác tổ chức thực hiện: Việc thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản được thực hiện chủ yếu bởi Sở Nông nghiệp và PTNT (trực tiếp là Chi cục Thủy sản) và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An.
Tại Chi cục Thủy sản, phòng Thanh tra, pháp chế và 03 Trạm Thủy sản là bộ phận trực tiếp chủ trì thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thủy sản. Số lượng cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, Kiểm ngư: 17 người . (Trong đó 02 tàu công vụ bố trí 12 người)
Để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, Chi cục Thủy sản Nghệ An được trang bị 02 tàu Kiểm ngư: KN-688-NA (công suất 1.100cv), VN-93967-KN (công suất 660cv); 02 xuồng công suất 40cv.
- Lập danh sách tàu cá vi phạm IUU; danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU: định kỳ hàng tuần, hàng tháng lập thống kê, lập danh sách tàu cá vi phạm IUU, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU gửi Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp & PTNT 28 tỉnh, thành phố ven biển.
- Kết quả ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài:
Tháng 9/2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thủy sản), UBND các huyện/thị xã: Quỳnh Lưu, Hoàng Mai và các Đồn Biên phòng: Quỳnh Thuận, Quỳnh Phương tổ chức điều tra, xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ xử lý 04 tàu cá mang biển kiểm soát Nghệ An vượt ranh giới sang vùng biển Trung Quốc, phía Đông Vịnh Bắc Bộ.
Kết quả cụ thể như sau: 01 tàu cá (NA-93515-TS) không xác định được chủ sở hữu; 01 tàu cá (NA-90807-TS) đã bán ngoại tỉnh (Nam Định), do đó Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã có Công văn đề nghị BĐBP tỉnh Nam Định điều tra, xử lý; 01 tàu cá (NA-97979-TS) không vượt ranh giới sang vùng biển Trung Quốc; 01 tàu cá (NA-95888-TS) vượt ranh giới sang vùng biển Trung Quốc nhưng qua điều tra, xác minh không đủ căn cứ xác định có hành vi khai thác thủy sản trái phép, tuy nhiên qua điều tra chủ tàu cá vi phạm quy định tại Điểm c khoản 2 Điều 35, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá về hành vi “không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng” với số tiền phạt: 25 triệu đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, có 27 tàu cá vượt ranh giới vào vùng biển Trung Quốc. Qua điều tra xác định: 08 tàu cá có hành vi vi phạm về thiết bị GSHT khi hoạt động trên biển và khai thác thủy sản sai vùng. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 08 chủ tàu cá với tổng số tiền: 190 triệu đồng.
- Kết quả xử lý đối với các vi phạm về khai thác IUU:
+ Kết quả tháng 9/2023:
Chi cục Thủy sản thành lập 07 đoàn kiểm tra sử dụng tàu kiểm ngư, xuồng công tác thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển 30 ngày công tác, kiểm tra 90 lượt phương tiện. Qua kiểm tra các Đoàn đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 05 vụ/05 đối tượng/05 phương tiện và bàn giao cho các Đồn Biên phòng tuyến biển xử lý theo quy định.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển và Hải đội 2 tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển, khu vực cửa sông, cửa lạch, tìm kiếm cứu nạn được 37 đợt/117 lượt cán bộ, chiến sỹ; kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập tại cửa sông, cửa lạch và bến đậu được 5.105 lượt phương tiện/26.675 lượt lao động đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Qua kiểm tra Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã phát hiện, xử lý 07 vụ/08 đối tượng/08 phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 26 triệu đồng.
+ Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023:
Chi cục Thủy sản thành lập 32 đoàn kiểm tra sử dụng tàu kiểm ngư, xuồng công tác thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển 116 ngày công tác, kiểm tra được 545 lượt phương tiện. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 65 vụ/65 đối tượng/65 phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính: 128,3 triệu đồng. Tịch thu 01 bộ kích điện. Bàn giao các Đồn Biên phòng tuyến biển xử phạt vi phạm hành chính theo quy định 13 vụ/13 đối tượng/13 phương tiện.
Các Đồn Biên phòng tuyến biển và Hải đội 2 tổ chức phối hợp lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các cửa lạch, bãi ngang được 456 đợt/40.543 lượt phương tiện/203.445 lượt lao động. Xử phạt vi phạm hành chính 68 vụ/88 đối tượng/88 phương tiện với tổng số tiền xử phạt là 587 triệu đồng. Tịch thu 08 bộ kích điện, 200m dây điện.
3.7. Công tác tập huấn, truyền thông về IUU
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các chủ tàu, ngư dân thực hiện tốt Luật Thủy sản năm 2017, các quy định về chống khai thác IUU và các quy định khác của pháp luật về thủy sản; tích cực tuyên truyền, thông báo cho ngư dân về thời gian tuần tra liên hợp giữa Cảnh sát Việt Nam – Trung Quốc và tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; vận động ngư dân tiếp tục bám biển khai thác thủy sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, chấp hành nghiêm các quy định về khai thác hải sản, không sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc bộ đánh bắt hải sản.
Chi cục Thủy sản phối hợp với các xã/ phường ven biển tổ chức 04 lớp tập huấn phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, công tác phòng cháy chữa cháy và kiến thức về an toàn thực phẩm trên tàu cá cho trên 100 ngư dân tham gia; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức tập huấn tuyên truyền được 03 buổi/185 lượt ngư dân tham gia; phát tờ rơi tuyên truyền cho trên 250 chủ tàu đi khai thác hải sản về các nội dung chống khai thác IUU, không xâm phạm vùng biển nước ngoài và các quy định về lắp đặt, duy trì thiết bị giám sát hành trình.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Kết quả đạt được trong tháng
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo IUU tỉnh cùng với sự nỗ lực của các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, công tác chống khai thác IUU trong tháng đã đạt được một số kết quả: UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4 trong tháng 10/2023; điều tra, xác minh và xử lý đối với tàu cá vượt ranh giới và mất kết nối dài ngày trên biển; đảm bảo 100% số tàu cá hoạt động khai thác thủy sản đã được đăng kiểm, cấp giấy phép; bố trí nhân lực trực ban 24/7 hệ thống giám sát hành trình; hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các cửa lạch, trên biển được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
2. Tồn tại, hạn chế
2.1. Về khung pháp lý
- Chưa có chính sách chuyển đổi nghề khai thác theo hướng giảm số lượng và cường lực tàu cá, giảm thiểu nghề khai thác ảnh hưởng nhiều đến nguồn lợi, hệ sinh thái biển.
- Thiếu các quy định về yêu cầu ngư dân phải thực hiện xóa đăng ký tàu cá khi tàu đã bán, cháy, chìm, giải bản; quy định chế tài xử lý đối với các cơ sở đăng kiểm không cập nhật dữ liệu lên hệ thống Vnfishbase.
2.2 Về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá
a) Về quản lý đội tàu
- Một số tàu cá đã hết hạn đăng kiểm nhưng không làm thủ tục đăng kiểm; nhiều tàu cá chưa thực hiện việc cấp/cấp lại giấy phép khai thác thủy sản theo quy định nên tỷ lệ đăng kiểm tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản còn thấp (tỷ lệ đăng kiểm đạt 70,12%, tỷ lệ cấp giấy phép đạt 89,87%).
- Vẫn còn 184 tàu cá thuộc các trường hợp cháy, chìm, giải bản, thuộc diện mất tích và bán ngoại tỉnh chưa làm thủ tục xóa đăng ký.
b) Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá
- Lắp đặt thiết bị VMS chưa hoàn thành theo quy định (hiện tại còn 48 tàu chưa lắp, chiếm tỷ lệ 4,28%).
- Tình trạng tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản chưa đảm bảo đủ điều kiện, không thông báo trước khi cập cảng, rời cảng, khai thác sai vùng, chất lượng Nhật ký khai thác không đảm bảo vẫn tiếp tục diễn ra.
- Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến nhưng công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính còn rất hạn chế, việc xử lý vi phạm còn nhiều bất cập, mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, chưa xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP nên dẫn tới tình trạng vi phạm kéo dài.
- Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn chưa chặt chẽ, tỉ lệ giám sát sản lượng lên bến còn thấp và chưa đồng đều giữa các cảng cá; tình trạng tàu cá không cập cảnh chỉ định theo quy định vẫn diễn ra.
2.3. Về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm
- Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Nghệ An vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài (Trung Quốc).
- Hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển Nghệ An diễn biến phức tạp, tình trạng tàu cá vi phạm vẫn xảy ra như sử dụng kích điện, sai vùng khai thác, thiếu văn bằng chứng chỉ,... Đặc biệt là các tàu cá ngoại tỉnh (Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh) khai thác sai vùng, sử dụng công cụ kích điện,... để khai thác thủy sản trên vùng biển Nghệ An.
- Việc điều tra, xác minh đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá mất kết nối dài ngày trên biển của các lực lượng (Biên phòng, Sở Nông nghiệp & PTNT, chính quyền địa phương) còn gặp nhiều khó khăn (việc xác định hành vi khai thác có thả lưới hay không để xử lý là rất khó, chủ yếu dựa vào lời khai của các thuyền viên và căn cứ vào tốc độ hoạt động của tàu để xác định).
- Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn chưa quyết liệt, đặc biệt là vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển…
3. Nguyên nhân
- Người đứng đầu chính quyền các cấp tại một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ chống khai thác IUU trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến kết quả thực hiện chuyển biến chậm.
- Những cơ sở đăng kiểm tư nhân làm đăng kiểm cho tàu cá Nghệ An chưa cập nhật dữ liệu tàu cá đã đăng kiểm vào phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia theo quy định.
- Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao vì lợi lích kinh tế cố tình vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển,... nhưng công tác điều tra, xử lý còn rất hạn chế.
- Thiết bị giám sát hành trình thường xuyên xảy ra hư hỏng nhưng các đơn vị cung cấp thiết bị chậm hỗ trợ trong việc sửa chữa, khắc phục các sự cố dẫn đến tàu cá mất kết nối VMS ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.
- Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trong xử lý mất kết nối chưa kiên quyết thì căn cứ pháp lý để áp dụng chưa đầy đủ (hệ thống giám sát tàu cá chưa được đưa vào danh mục trang thiết bị được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng để xử phạt VPHC).
- Tại một số địa phương (xã Quỳnh Lập, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải...), có số lượng lớn tàu cá khai thác vùng khơi nhưng không có cảng cá chỉ định nên ngư dân thường cập bến cá tự phát để bốc dỡ hàng hóa, sản phẩm thủy sản, do đó việc kiểm soát, giám sát sản lượng từ khai thác gặp khó khăn. Cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá còn thiếu, các cửa lạch bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo an toàn.
- Tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của ngành thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác IUU; trách nhiệm, nhiệm vụ được giao ngày càng tăng trong khi đó năng lực chuyên môn, lực lượng còn thiếu; một số xã, phường trọng điểm chưa có cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản, bố trí kinh phí thực hiện còn hạn chế.
- Công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng thực thi pháp luật chưa được thường xuyên, liên tục; thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa biển, cảng cá chưa chặt chẽ dẫn đến chưa ngăn chặn triệt để tàu cá vi phạm khai thác IUU.
- Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản dẫn đến gặp khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THÁNG 10/2023
1. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, có kết quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của: Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo ”Thẻ vàng” của EC.
2. Khẩn trương thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4 trong tháng 10/2023 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7725/UBND-NN ngày 14/9/2023, cụ thể:
2.1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Rà soát, lập danh sách những tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, chưa lắp thiết bị GSHT; cung cấp danh sách cho UBND huyện/thị xã, các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển để theo dõi, tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý khi có vi phạm. Hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.
- Tổ chức trực ban 24/24 giờ để khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển; Báo cáo Cục Thủy sản, các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT về những tàu cá đã xóa đăng ký để thay đổi thông tin trên Hệ thống giám sát tàu cá đảm bảo thống nhất số liệu báo cáo của địa phương và trên Hệ thống giám sát tàu cá;
- Rà soát, tổng hợp kết quả xử lý của các địa phương đối với tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị GSHT trên biển trên 10 ngày, báo cáo Cục Thủy sản (tập trung các tàu cá từ 24 mét trở lên mất kết nối trên 10 ngày theo thông báo của Cục Thủy sản tính từ sau đợt thanh tra lần thứ 3 của EC đến nay).
- Cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào Hệ thống VNFishbase; kết quả xử phạt vào Hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Tổng hợp, báo cáo kết quả xử phạt vi phạm khai thác IUU trên địa bàn toàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tham mưu xây dựng kịch bản, kế hoạch chi tiết, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu.
2.2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh 
- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến; kiên quyết không cho tàu cá xuất lạch đi khai thác trên biển khi không đủ điều kiện theo quy định về chống khai thác IUU
- Trên cơ sở danh sách tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị GSHT của Sở Nông nghiệp và PTNT cung cấp, chỉ đạo các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển kiểm tra, rà soát và cung cấp bằng văn bản về UBND cấp huyện những thông tin, kết quả kiểm tra tàu cá xuất, nhập bến của các Trạm Kiểm soát Biên phòng tuyến biển và quá trình chấp hành pháp luật của chủ tàu, thuyền trưởng; xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh, xử phạt 100% các trường hợp tàu cá Nghệ An vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng
- Cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vào Hệ thống phần mềm xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
2.3. UBND các huyện thị ven biển
- Trên cơ sở Danh sách các tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác và tàu cá thuộc diện xóa đăng ký do Sở Nông nghiệp và PTNT cung cấp. UBND huyện tổ chức làm việc trực tiếp với từng chủ tàu để hướng dẫn thủ tục thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và xóa đăng ký theo quy định.
- Xử lý tàu cá mất kết nối GSHT trên 10 ngày: Tiếp nhận thông báo của Sở Nông nghiệp và PTNT, chủ trì, kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định. Thông báo kết quả về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thuỷ sản) để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
- Giao chính quyền cấp xã nắm rõ, cập nhật hiện trạng và lập danh sách quản lý đối với các tàu cá có chiều dài từ 15 trở lên không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác (vị trí tàu đang neo đậu, tình trạng tàu,...); yêu cầu ngư dân cam kết không được tham gia khai thác khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
3. UBND tỉnh tổ chức cuộc họp thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4.
V. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định có hiệu quả trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị một số nội dung:
1. Bộ Nông nghiệp và PTNT
- Trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản để hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển được triển khai có hiệu quả và đảm bảo tính răn đe.
- Bổ sung quy định về yêu cầu ngư dân phải thực hiện xóa đăng ký tàu cá khi tàu đã bán, cháy, chìm, giải bản; quy định chế tài xử lý đối với các cơ sở đăng kiểm không cập nhật dữ liệu lên hệ thống Vnfishbase
- Nâng cấp hệ thống giám sát hành trình để việc truy cập được thuận lợi.
- Bổ sung thêm các chức năng mới, thông tin hiển thị trên hệ thống như hiển thị bản đồ vệ tinh, hiện thị các thông tin về tên các địa phương ven biển nhằm phục vụ cho việc kiểm tra hành trình tàu trong tham gia khai thác tại các vùng biển xa.
- Chỉ đạo đơn vị cung cấp thiết bị bổ sung đầy đủ các thông tin chính xác của tàu cá trên hệ thống, cập nhật lại thông số các tàu nhập sai về chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên và tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m; xoá các tàu cá đã bán ra tính khác trên hệ thống GSHT; bổ sung chức năng thông báo về mặt tín hiệu để người dân dễ dàng nhận biết (ví dụ như: khi có tín hiệu nháy xanh, mất tín hiệu nháy vàng, mất tín hiệu quá 4 tiếng nháy đỏ,...).
2. UBND tỉnh Nghệ An
Sớm thông qua Đề án thành lập Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Thủy sản  nhằm đáp ứng đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ theo quy định hiện hành.
3. Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An
- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển kiên quyết không cho tàu cá xuất lạch đi khai thác trên biển khi không đủ điều kiện quy định chống khai thác IUU như: không có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị giám sát không hoạt động, giấy phép khai thác thuỷ sản quá hạn, chưa đăng kiểm theo quy định...
- Cập nhật dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản lên Hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong tháng 9/2023./.
 

Nguồn tin: Hoàng Thị Mỹ Linh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây