BÁO CÁO Kết quả triển khai nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An tháng 8/2024

Thứ ba - 20/08/2024 21:51 75 0
Thực hiện Công văn số 2316/BNN-TCTS ngày 15/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Công điện số 1058/CĐ-TTCP ngày 04/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 9992/UBND-NN ngày 23/11/2023 của UBND tỉnh Nghệ An.
Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An về IUU) báo cáo kết quả triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tỉnh Nghệ An trong tháng 8/2024 (từ 19/7 đến 19/8/2024) như sau:
BÁO CÁO Kết quả triển khai nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An tháng 8/2024
I. TÌNH HÌNH KHAI THÁC THỦY SẢN CỦA ĐỊA PHƯƠNG
1. Tàu cá, lao động khai thác thủy sản
- Số lượng tàu cá thực tế, cơ cấu theo chiều dài tàu, theo nghề khai thác:
Toàn tỉnh có 3.630 tàu thuyền khai thác thủy sản. Trong đó, tàu cá thuộc diện phải đăng ký (có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên) đến ngày 18/8/2024 là 2.733 chiếc, trong đó có 2.524 chiếc đã được đăng ký (đạt 92,35%) và đã được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase (đạt 100%).
Nghề khai thác hải sản khá đa dạng, với nhiều loại ngư lưới cụ, tập trung chủ yếu vào 07 nhóm nghề. Trong tổng số 2.524 chiếc đã đăng ký thì nghề lưới Kéo với 628 tàu (chiếm 24,88% tổng số), nghề lưới Vây với 121 tàu (chiếm 4,79% tổng số), nghề lưới Rê với 985 tàu (chiếm 39,03% tổng số), nghề Câu với 204 tàu (chiếm 8,08% tổng số), nghề Chụp với 444 tàu (chiếm 17,59% tổng số), nghề dịch vụ hậu cần với 29 tàu (chiếm 1,15% tổng số) và nghề khác với 113 tàu (chiếm 4,48% tổng số). Cơ cấu các nghề khai thác từng bước ổn định về số lượng tàu và phát triển chiều sâu. 
- Lao động khai thác thủy sản
Lao động khai thác thủy sản không ngừng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, đến 18/8/2024 số lượng lao động tham gia khai thác thủy sản toàn tỉnh trên 11.480 người. Trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 7.399 người, số lao động khai thác vùng lộng là 1.730 người, số lao động khai thác vùng ven bờ là 2.351 người.
3. Sản lượng khai thác
- Tổng sản lượng khai thác năm 2023 đạt 207.168,7 tấn, đạt 107,9% so với kế hoạch năm, tăng 3,53% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, khai thác hải sản đạt 199.527 tấn, đạt 106,7% so với kế hoạch năm, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng đạt 7.641,7 tấn, đạt 152,83% so với kế hoạch năm, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước).
- Kế hoạch năm 2024: Sản lượng khai thác: 192.000 tấn, trong đó: khai thác biển: 187.000 tấn, khai thác nội đồng: 5.000 tấn.
- Sản lượng khai thác thủy sản trong tháng 8/2024 ước đạt: 19.561,2 tấn, giá trị ước đạt 480 tỷ đồng; trong đó khai thác biển đạt 18.830 tấn, bằng 10,02% so với kế hoạch năm, bằng 102,89% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng đạt 731,20 tấn, bằng 14,62% so với kế hoạch năm, bằng 103,94% so với cùng kỳ năm trước.
- Lũy kế sản lượng khai thác thủy sản đến ngày 18/8/2024 ước đạt 149.968 tấn, đạt 77,70% so với kế hoạch năm, tăng 3,36% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, khai thác hải sản ước đạt 144.601 tấn, đạt 76,92% so với kế hoạch năm, tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng ước đạt 5.367 tấn, đạt 107,34% so với kế hoạch năm, tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước).
3. Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá
- Về cảng cá: đã có 04 cảng cá được Nhà nước đầu tư xây dựng (gồm cảng cá Quỳnh Phương, cảng cá Lạch Quèn, cảng cá Lạch Vạn và cảng cá Cửa Hội). Đến thời điểm hiện tại, cả 4 cảng cá trên đã được tỉnh Nghệ An công bố mở cảng, đều là cảng cá loại II. Trong số các cảng cá này, đã có 03 cảng cá được công bố là cảng cá chỉ định, có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
- Về khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: Nghệ An được quy hoạch 05 khu neo đậu tránh trú bão (KNĐTTB) với tổng sức chứa cho tàu cá vào tránh trú bão là 3.100 chiếc; trong đó có 01 KNĐTTB cấp vùng và 04 KNĐTTB cấp tỉnh.
Đến nay, cả 05 KNĐTTB cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố đủ điều kiện hoạt động với tổng sức chứa đạt 2.000 tàu thuyền các loại, bằng 65% công suất neo đậu so với quy hoạch.
II. KẾT QUẢ CHỐNG KHAI THÁC IUU THÁNG 8/2024
1. Chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh
- UBND tỉnh ban hành Công văn số 6636/UBND-NN ngày 06/8/2024 về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị sơ kết BCĐ quốc gia về chống khai thác IUU; Công văn số 7001/UBND-NN ngày 16/8/2024 về việc tăng cường công tác xác minh, xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình; công tác giám sát sản lượng thủy sản khai thác.
Trong đó yêu cầu các đơn vị, lực lượng, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; tập trung nguồn lực triển khai thực hiện việc hướng dẫn đăng ký đối với nhóm tàu cá “03 không” theo quy định; đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, xác minh, xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên biển; tăng cường kiểm tra, giám sát tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.
2. Hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về IUU
Ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo IUU) được kiện toàn lại do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện là thành viên Ban Chỉ đạo.
- Tổ chức 01 cuộc Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác minh, xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển; giám sát sản lượng thủy sản khai thác; quản lý tàu cá “03 không”; triển khai thực hiện eCDT do đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo IUU tỉnh chủ trì.
- Tham dự Hội nghị sơ kết công tác triển khai quy chế phối hợp giữa các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Thành phố Đà Nẵng trong công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản của các tàu cá tại thành phố Đà Nẵng.
- Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) cung cấp danh sách và đề nghị các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý đối với các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển; Phối hợp với các địa phương có liên quan tổ chức rà soát, lập danh sách và giám sát chặt chẽ vị trí neo đậu của các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản (tàu cá chưa lắp đặt VMS, không duy trì kết nối VMS, không đăng ký, không có giấy phép khai thác thủy sản, chưa đăng kiểm). Triển khai tổ chức đăng ký và cập nhật lên hệ thống VNFishbase số tàu cá “3 không” theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT..
- Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng (Nông nghiệp, Biên phòng) tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và cửa lạch, đặc biệt là thành lập các đoàn liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU trên vùng biển Nghệ An.
3. Kết quả thực hiện
3.1. Công tác quản lý tàu cá
- Kết quả thực hiện đăng ký tàu cá, đăng kiểm; cấp giấy phép, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm:
+ Công tác đăng ký tàu cá: Số giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đã cấp trong tháng 8/2024 là: 276 chiếc. Tính đến ngày 18/8/2024, toàn tỉnh có 2.524 chiếc đã được đăng ký.
+ Công tác đăng kiểm tàu cá: Số tàu còn hạn đăng kiểm là 1.348/1.556 chiếc thuộc diện phải đăng kiểm có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên, đạt 86,6%.
+ Kết quả thực hiện quản lý, cấp giấy phép khai thác thủy sản: Trong tháng 8/2024 đã cấp 231 giấy phép. Đến nay tổng số tàu đã cấp phép đang còn hạn 2.336/2.524 tàu, đạt 92,55% số tàu ≥ 6m. (Chi tiết tại phụ lục 1 kèm theo).
+ Cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá: Đã cấp trong tháng 8/2024 là 15 tàu cá. Tính đến ngày 18/8/2024, số tàu cá đã cấp giấy chứng nhận ATTP còn hạn là 951/1.069 tàu, đạt 88,96% so với tổng số tàu cá phải cấp.
- Kết quả thực hiện cập nhật dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase: Việc cập nhật dữ liệu tàu cá lên phần mềm VNFishbase được thực hiện thường xuyên và đầy đủ. Tổng số tàu cá đã cập nhật lên phần mềm là 2.524 chiếc đạt 100% tổng số tàu cá đã đăng ký.
- Kết quả triển khai thực hiện đăng ký với nhóm tàu cá “03 không” theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT: Đến nay toàn tỉnh đã đăng ký 250/459 tàu cá đã công bố tại Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 02/7/2024 của UBND tỉnh Nghệ An (đạt 54,47%). Còn lại 209 chiếc chưa đăng ký, chiếm 45,53%.
3.2. Kết quả lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Tính đến ngày 19/8/2024, tỉnh Nghệ An có 1.045/1.069 tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT, đạt tỷ lệ 97,8%. Số tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt thiết bị GSHT: 24 chiếc, chiếm tỷ lệ 2,2%. (Danh sách tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS tại Phụ lục 3 kèm theo).
3.3. Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS
- Công tác tổ chức trực theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá:
Tổ chức trực ban 24/24 giờ tại Trạm bờ - Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư nhằm theo dõi, thông tin cho chủ tàu cá về việc tàu mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển, yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật; tổng hợp, lập danh sách và trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để phối hợp, xử lý.
- Kết quả theo dõi:
+ Số tàu cá mất kết nối quá 6 giờ trên biển trong tháng 8/2024: 130 tàu (tàu cá có Lmax từ 24m trở lên: 73 tàu, tàu cá có Lmax từ 15m đến dưới 24m: 57 tàu). (Danh sách tàu cá mất kết nối tại Phụ lục 4 kèm theo).
+ Số tàu cá mất kết nối quá 10 ngày trên biển trong tháng 8/2024: 24 tàu (trong đó: tàu cá có Lmax từ 15m đến dưới 24m: 13 tàu; tàu cá có Lmax từ 24m trở lên: 11 tàu).(Danh sách tàu cá mất kết nối tại Phụ lục 5 kèm theo).
+ Số tàu cá mất kết nối quá 6 tháng trong tháng 8/2024: 02 tàu có vị trí cuối cùng ở trong bờ theo hệ thống giám sát tàu cá của Cục Thuỷ sản (trong đó: tàu cá có Lmax từ 15m đến dưới 24m: 02 tàu). (Danh sách tàu cá mất kết nối tại Phụ lục 6 kèm theo).
- Khi phát hiện các trường hợp tàu mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển, trực ban tại Trạm Bờ - Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư liên lạc với thuyền trưởng đề hướng dẫn yêu cầu tuân thủ quy định về VMS, không vượt ranh giới trên biển. Thông báo Danh sách những tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển cho UBND các huyện, thị, các Đồn Biên phòng tuyến biển, Tổ công tác Liên ngành để phối hợp điều tra, xác minh, xử lý khi tàu về bờ.
3.4. Về kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng
- Kết quả thực hiện giám sát thủy sản bốc dỡ qua cảng cá, bến cá:
+ Trong tháng 8/2024: số lượt tàu cá được giám sát là 2.086 lượt; sản lượng thủy sản được giám sát là 3.822,63 tấn.
+ Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024: số lượt tàu cá được giám sát là 8.783 lượt; sản lượng thủy sản được giám sát là 37.197,72 tấn (trong đó sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá: 10.664,96 tấn, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, bến cá tư nhân: 26.532,76 tấn).
+ Trong tháng 8/2024, Ban quản lý Cảng cá đã thu được 456 sổ nhật ký. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 đã thu được 2.491 sổ nhật ký.
- Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử eCDT:
Ban Quản lý cảng cá Nghệ An chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, UBND các huyện, thị triển khai hệ thống phần mềm eCDT VN; phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ tại cảng cá, Đồn/Trạm kiểm soát Biên phòng và các chủ tàu sử dụng phần mềm. Trong tháng đã kích hoạt thêm 52 tài khoản eCDT cho các chủ tàu cá. Tính đến ngày 19/8/2024, Ban quản lý Cảng cá đã kích hoạt được 546/1.069 tài khoản cho các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (đạt 51,08%), tạo được 915 lượt rời cảng, 707 lượt cập cảng.
- Kết quả kiểm tra của các Tổ liên ngành tại các Cảng cá:
+ Trong tháng 8/2024: các Tổ đã kiểm tra 445 lượt tàu rời cảng, kiểm tra 444 lượt tàu cá cập cảng với tổng sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng được kiểm tra 691,2 tấn.
+ Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024: các Tổ đã kiểm tra 445 lượt tàu rời cảng, kiểm tra 444 lượt tàu cá cập cảng với tổng sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng được kiểm tra 691,2 tấn.
3.5. Về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác
Đến nay, Cảng cá và Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư chưa nhận được hồ sơ của các tổ chức, cá nhân nào yêu cầu biên nhận, cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.
3.6. Về thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm
- Trong tháng 8/2024, các lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 56 đối tượng/55 phương tiện với tổng số tiền phạt 1.048,05 triệu đồng. Trong đó:
+ Tàu cá mất kết nối VMS trên biển: 41 đối tượng/995 triệu đồng.
+ Vi phạm về nhật ký khai thác thủy sản: 01 đối tượng/4 triệu đồng.
+ Các hành vi vi phạm khai thác trên biển khác: 14 đối tượng/49,05 triệu đồng.
- Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024: các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 156 đối tượng/154 phương tiện với tổng số tiền phạt 2.407 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng đối với 13 thuyền trưởng theo quy định. Trong đó:
+ Tàu cá mất kết nối VMS trên biển: 88 đối tượng với số tiền phạt: 2.045 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng đối với 05 thuyền trưởng theo quy định;
+ Khai thác sai vùng: 08 đối tượng với số tiền phạt: 170 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng đối với 08 thuyền trưởng theo quy định).
+ Vi phạm về nhật ký khai thác thủy sản: 07 đối tượng/37,25 triệu đồng.
+ Các hành vi vi phạm khai thác trên biển khác: 53 đối tượng/154,75 triệu đồng.
3.7. Công tác tập huấn, truyền thông về IUU
Các đơn vị, lực lượng, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ; Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư đã phối hợp với các xã/phường ven biển tổ chức 03 lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ, phân tích dữ liệu VMS, xử lý các hành vi khai thác IUU, hướng dẫn ngư dân ghi chép nhật ký khai thác thủy sản với gần 600 lượt người tham gia. Các đơn vị tiếp tục tuyên truyền ngư dân duy trì thiết bị VMS khi tham gia khai thác thủy sản, hướng dẫn ngư dân cách sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử eCDT và tổ chức ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp đối với 330 chủ phương tiện.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương cấp huyện, xã ven biển tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ; các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6636/UBND-NN ngày 06/8/2024 về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị sơ kết BCĐ quốc gia về chống khai thác IUU.
2. Tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
3. Tổ chức làm việc, trực tiếp hướng dẫn từng chủ tàu thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
4. Theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua Hệ thống giám sát tàu cá tại Trạm bờ thuộc Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư; nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định mất kết nối VMS (không báo vị trí 6 tiếng một lần, mất kết nối quá 10 ngày không đưa tàu về bờ, mất kết nối trên 6 tháng; lập danh sách theo dõi, xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm).
5. Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, trọng tâm là tàu cá gửi thiết bị VMS sang tàu cá khác, tàu vận chuyển VMS của tàu cá khác; tàu cá ngắt kết nối VMS; xác minh, làm rõ phương thức tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam, vi phạm vùng biển nước ngoài để có phương án ngăn chặn hiệu quả.
6. Tổ Công tác Liên ngành thanh tra kiểm soát nghề cá, Ban Quản lý Cảng cá thực hiện việc kiểm tra, giám sát tàu cá cập cảng, rời cảng và sản lượng bốc dỡ thủy sản qua cảng theo đúng quy định. Thu nhận nhật ký khai thác đảm bảo chất lượng, có sự kiểm tra, đối khớp với dữ liệu VMS, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.
7. Các lực lượng (Biên phòng, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư) tiếp tục thực hiện tuần tra, kiểm tra trên biển, thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU trên vùng biển Nghệ An.
Trên đây là báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong tháng 8/2024./.
 

Nguồn tin: - Hoàng Thị Mỹ Linh -

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây