Trước tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ đã tác động tiêu cực đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong nước một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng chậm hơn dự báo, xuất hiện những khó khăn chung về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 265 ngày 17/4/2023 về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đáng chú ý trong nội dung Công điện, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch hành động chống khai thác IUU được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 81 ngày 13/02/2023. Với tinh thần tập trung cao độ, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động, quyết liệt trong hành động để khắc phục tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Đồng thời, chuẩn bị chu đáo nội dung và điều kiện để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 (từ 25/5 đến 31/5/2023).
Đặc biệt, trong Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Cụ thể các Bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo, xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện hành vi khai thác trái phép :
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm. Bộ Công an chỉ đạo điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin, hồ sơ và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong điều tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Các địa phương ven biển xác minh, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục.
Thủ tướng cũng đã phê bình các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang vì tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay và yêu cầu các tỉnh này phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị có liên quan, báo cáo Thủ tướng trước 15/5/2023.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp &PTNT chủ trì, triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn triệt để nguyên liệu thủy sản khai thác bất hợp pháp nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu bằng tàu container theo khuyến nghị của EC. Cùng với đó, rà soát, bổ sung quy định pháp luật trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017 để quản lý, báo cáo Chính phủ trong quý II/2023.
Giao Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp &PTNT chỉ đạo công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản bảo đảm đúng quy định; chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản theo quy định.
Đối với các tỉnh, thành phố ven biển, yêu cầu Lãnh đạo chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, tuân thủ quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Điều tra, xác minh, xử lý triệt để vi phạm, trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự cần điều tra, truy tố theo quy định pháp luật, đặc biệt là hành vi cố tình vi phạm quy định về IUU, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu.
Chủ động điều động, biệt phái, bố trí đủ nhân lực và kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU cho cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương, đặc biệt là tại cảng cá.
Văn Thọ
Nguồn tin: Hoàng Thị Mỹ Linh (Sưu tầm):
Ý kiến bạn đọc