Lúc 1 giờ sáng, như mọi ngày tại cảng Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), hàng dài xe ô tô xếp hàng trên đường vào cảng, liên tục bấm còi inh ỏi. Tiếng nắp khay rơi vang lên, tiếng máy tàu nổ ầm ầm... Trong không gian đó, các cán bộ cảng vụ đang làm nhiệm vụ hàng ngày như thu phí, giám sát sản lượng, vệ sinh bến bãi... Tôi có cơ hội theo chân các cán bộ cảng vụ tại cảng cá Lạch Quèn làm nhiệm vụ từ nửa đêm. Tôi đặt chuông báo thức lúc 1 giờ 30 phút sáng để không ngủ quên, nhưng thật tình, tiếng va chạm giữa các vật kim loại đã đánh thức tôi từ lúc 1 giờ. Nhìn xung quanh, các anh Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Quý Chung, Đặng Đức Vinh... (cán bộ cảng vụ) vẫn đang ngủ ngon lành, có lẽ họ đã quá quen với âm thanh như vậy. Tôi lướt điện thoại để tìm hiểu kỹ hơn về Lạch Quèn: Nơi này là điểm cuối của dòng Mai Giang trước khi chảy vào Biển Đông. Lạch Quèn là nơi tàu thuyền bốc dỡ thuỷ hải sản, nghỉ trăng, sửa chữa ngư cụ và tránh bão cho ngư dân của một vùng đánh bắt hải sản lớn thuộc Nghệ An. Cảng cá Lạch Quèn có 2 bờ, bờ Bắc thuộc xã Tiến Thủy và bờ Nam thuộc xã Quỳnh Thuận.
Đúng 1 giờ 30 phút, các anh cảng vụ bắt đầu dậy thay ca cho anh Trần Quang Khải, anh Hồ Anh Sơn... đã trực từ 10 giờ tối hôm trước. Anh Hùng nói rằng do tàu thuyền và xe vận chuyển cá ra vào cảng liên tục gần như suốt 24/24 giờ, nên họ phải chia ca để đảm bảo anh em có thời gian nghỉ ngơi. Đúng 1 giờ 45 phút, tất cả đã chuẩn bị và nhận bàn giao công việc từ ca trực trước.
Vừa kiểm đếm lại số tàu đang cập cảng, anh Đông – cảng trưởng Cáng cá Lạch Quèn - vừa chia sẻ, hiện nay số tàu thuyền cập cảng đã giảm đi rất nhiều do nhiều nguyên nhân như nguồn lợi thuỷ sản giảm làm cho mỗi chuyến biển đi không khai thác được nhiều, giá nguyên vật liệu thất thường, lực lượng lao động không còn mặn mà với biển mà tìm hướng đi khác (làm công nhân tại các khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động…), anh nói tiếp: trước đây mỗi chuyến đi khai thác các tàu chỉ đi khoảng 5-7 ngày/chuyến, nhưng hiện nay phải tăng lên 10-13 ngày/chuyến mới có thể quay về với số lượng thuỷ hải sản tương đối đủ để có thể có lãi. Chúng tôi bước đến vị trí cập cảng của tàu cá NA-96345-TS, tại đây anh Sơn đang căng mắt trong ánh sáng vàng đục được thắp từ cột đèn cảng để ghi chép sản lượng thuỷ sản đang được bốc dỡ xuống cảng, còn tay kia cầm nhật ký khai thác thuỷ hải sản của tàu NA-96345-TS nhằm so sánh sản lượng thực tế với sản lượng khai báo, anh cho biết: ngày nào tàu cập cảng vào ban đêm (theo con nước lên – NV) thì chúng tôi phải làm xuyên đêm, việc ghi ghép sản lượng này là bắt buộc và nằm trong quy trình thực hiện kiểm tra IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Với số lượng tàu thuyền cập bến nhiều, các anh phải chia từng khu vực tàu cập cảng để giám sát chặt chẽ, không bỏ sót bất kỳ mã cân nào. Tôi chỉ mới đứng tại đó được gần 15 phút mà đã cảm thấy mệt, khát bởi cái nóng giữa hè ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, tôi chợt nghĩ những ngày mưa – rét các anh cũng phải thực hiện nhiệm vụ như thế này, quả thật rất vất vả. Thấy tôi dợm bước đi, anh Sơn cười lớn, chịu thua rồi hả người đẹp, tôi chỉ biết cười trừ và nghĩ sự vất vả của các anh.
Anh Đông hướng dẫn tôi đến vị trí anh Vinh đang thu phí xe ra vào cảng bốc dỡ thuỷ hải sản, anh bảo: Nhìn thì nhẹ nhàng đấy, nhưng nếu không có kinh nghiệm sẽ dễ xảy ra sự việc đáng tiếc như ô tô cố tình không trả phí, xe máy tăng ga, nếu mình vẫn cố thu sẽ có thể xảy ra tai nạn rất nguy hiểm. Tôi thắc mắc sao không lập rào chắn thì được anh Đông chia sẻ: vì diện tích bờ cảng nhỏ, nếu lập rào chắn thì những xe có kích thước lớn sẽ không thể vào được, vì thế nên người thu phí phải chủ động thu mà không có cách nào khác. Thấy tôi đã thấm mệt, anh Đông nhìn đồng hồ, nói: mới hơn 4h sáng thôi, ta vào văn phòng cảng để xem anh em làm hồ sơ nhé, được lời như mở tấm lòng, tôi đồng ý ngay. Đây vừa là văn phòng làm việc của bộ phận làm hồ sơ tàu thuyền cập – rời cảng, cũng là nơi tổ thanh tra kiểm soát nghề cá kiểm tra (chống khai thác IUU) thực hiện nhiệm vụ theo quy định: kiểm tra tín hiệu giám sát hành trình của các tàu cá đang khai thác, chuẩn bị vào cập cảng, rời cảng… Trong căn phòng chỉ rộng hơn 10 m2, các chủ tàu (thuyền trưởng) người đứng, người ngồi đến làm thủ tục khi đã bốc dỡ xong hàng hoá thuỷ hải xong đến làm hồ sơ theo quy định. Thấy tôi, chị Quyên sau khi làm hoàn thành một bộ hồ sơ rời cảng cho tàu thuyền, nhẹ nhàng chia sẻ: mặc dù phải thức đêm, nhưng vẫn phải phục vụ ngư dân để kịp thời rời cảng cho chuyến đi khai thác mới hoặc về sửa chữa sau khi đi khai thác. Để thực hiện công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) thì công đoạn làm thủ tục hồ sơ là rất quan trọng, các tàu thuyền trước khi rời cảng bắt buộc phải đầy đủ hồ sơ liên quan, tín hiệu giám sát hành trình luôn hoạt động, thông báo giờ cập cảng – rời cảng, sản lượng khải báo – sản lượng thực tế (sản lượng sau giám sát tại ví trí bốc dỡ). Mặc dù khối lượng công việc lớn trong khi nhân sự ít, nhưng anh Khải vẫn tươi cười cho biết: Vì đặc điểm mỗi lần tàu thuyền cập bến là theo đoàn, nhưng khi các tàu cá đi khai thác thì công việc lại nhàn hơn, nên chúng tôi luôn cố gắng làm việc để phục vụ ngư dân một cách tốt nhất. Anh cũng cho biết thêm, được sự quan tâm của các Lãnh đạo mà chúng tôi đã có thêm điều hoà trong phòng làm việc trong những ngày nắng nóng như thế này. Tại bàn làm việc kế bên, anh Hồ Trung Hiếu (tổ phó tổ Thanh tra kiểm soát tàu cá cảng cá Lạch Quèn) tiếp tục giải thích cho tàu cá NA-91555-TS về tầm quan trọng của việc giám sát hành trình và tuân thủ quy định khai thác đúng vùng quy định. Anh nhấn mạnh rằng việc này không chỉ đảm bảo an toàn cho tàu cá mà còn bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và đảm bảo sự bền vững của ngành công nghiệp hải sản.
Hai mí mắt của tôi đã bắt đầu nặng khi không quen thức đêm, mặc dù ngoài trời đã bắt đầu tang tảng sáng. Trong khi đó, các cán bộ cảng vụ vẫn đang miệt mài làm nhiệm vụ. Tôi cảm nhận được sự vất vả của các cán bộ cảng vụ cảng cá Lạch Quèn cũng như của tổ thanh tra kiểm soát nghề cá khi thực hiện nhiệm vụ tại cảng cá Lạch Quèn. Ghi chép của Hân Khuê