Hành trình từ cõi chết trở về
Trong căn nhà tranh vách lá ở ấp 1, Hòn Tre, Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, ông Trần Văn Việt (45 tuổi) với làn da bỏng rát và đôi mắt đỏ hoe vẫn chưa tin được những việc vừa xảy ra với mình. Với ông, nó như một cơn ác mộng.
Câu chuyện về người đàn ông 4 ngày đêm lênh đênh trên biển, uống nước mưa và nước biển cầm hơi khiến nhiều người khó tin.
Căn nhà tranh vách này là nơi sinh sống vợ chồng anh Việt và 2 con (Ảnh: Ngọc Ngân)
Nhớ những ngày kinh hoàng ấy, ông Việt rơm rớm nước mắt kể, giữa tháng 5, ông theo tàu cá huyện Bình Đại (Bến Tre) đi biển. Trên tàu có 17 người, đánh bắt ở vùng biển Bến Tre - Kiên Giang. Ngày 1/6, sau hai tuần lênh đênh ngoài khơi, một thuyền viên bị thương, tàu dừng khai thác để đưa nạn nhân vào bờ.
Khoảng 19h cùng ngày, ông đi bên mạn tàu ra phía sau để tắm, không may chân vấp thanh ngang và rơi xuống biển. Ông la hét kêu cứu nhưng tiếng máy thuyền nổ lớn, các bạn tàu mỗi người mỗi việc nên không ai hay. Lúc này, tàu cách đất liền khoảng 200 hải lý (hơn 370 km).
Ông Việt kể lại những giây phút khó quên trong 4 ngày đêm lênh đênh trên biển (Ảnh: Ngọc Ngân)
Khi vừa rơi xuống biển, ông Việt cố bơi đến những ngọn đèn xa xa để gần các tàu đánh cá, tìm cơ hội sống sót. Nhưng bơi mãi, bơi mãi chẳng thể nào đến được.
“Đêm tối ngày đầu tiên rơi xuống biển, tôi cứ bơi theo con sóng. Trong đầu hiện lên hình ảnh vợ và 2 con nên cứ cố gắng bơi. Cứ thế tôi bơi đến sáng….” ông Việt kể.
Sau một đêm ngâm mình dưới biển lạnh, người đàn ông 27 năm trong nghề nghĩ mình sẽ không qua khỏi vì quá đuối sức. Thế nhưng, khi mặt trời chiếu rọi, cơ thể ấm dần, khát vọng sống lại bùng lên.
Một ngày dài trôi qua, cơ thể bị đẩy theo dòng hải lưu vì không đủ sức để bơi. Không có gì ăn, đói rét, bị cá rỉa, lâu lâu có cơn mưa nhưng chỉ lắc rắc vài hạt, ông cố há miệng mong được vài giọt nước ngọt nhưng vô vọng .
Lúc tuyệt vọng nhất, ông lại nghĩ đến vợ đang chờ ở nhà, con còn nhỏ chưa ăn học đến nơi đến chốn thì sự sống trỗi dậy. “Không thức ăn, không nước uống, không phao cứu hộ, đến chiếc quần cũng trôi theo dòng nước, tôi đã nghĩ mình không thể còn sống mà quay về, nhưng nghĩ đến vợ con, tôi buộc mình phải cố gắng, không được bỏ cuộc”.
Sau 2 đêm lênh đênh, cái đói hành hạ, nhìn biển cả bao la, không thấy bờ bến, người ngư dân nghèo muốn phó mặc tất cả cho số phận. “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi rơi vào trường hợp này. Tôi nhìn vào bàn tay của tôi, đường chỉ tay còn dài lắm. Tôi nghĩ thầm rằng cuộc đời mình kết thúc ở tuổi 45 sao, rồi lịm dần đi”- ông Việt nói.
Miệng và lưỡi bị lở loét nặng do uống nước biển nhiều ngày khiến ông ăn uống khó khăn (Ảnh: Ngọc Ngân)
Trong những cơn thức tỉnh, người ngư dân nghèo đã nhiều lần nhìn thấy bóng những chiếc tàu đánh cá, ông cố bơi tới gần để kêu cứu nhưng bơi mãi chẳng thể đến được. “Giữa đại dương bao la, khi thấy một chiếc thuyền thì có thêm hy vọng được sống. Nhưng chẳng thể đến gần được vì rất xa”.
Thời gian bào mòn dần ý chí của ông Việt, ông thả trôi tất cả. Trong vô thức, khi đói quá ông mở mắt uống vài ngụm nước biển và thấy mình vẫn còn sống.
May mắn thay, sau 4 ngày 3 đêm, khi đã hoàn toàn bất tỉnh, ông được tàu của Phan Rang phát hiện vớt lên.
"Tôi biết ơn mọi người vô cùng"
Người cứu ông Việt là thuyền trưởng Lê Văn Thuận (phường Mỹ Đông, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Ông Thuận kể, chiều 4/6, khi cách đảo Phú Quý khoảng 35 hải lý (gần 70 km) về hướng Tây – Nam, một người trên thuyền thấy ông Việt nổi ở tư thế nằm úp, đầu hơi nghiêng, trôi tự do.
Mọi người cùng nhau vớt ông Việt lên tàu, kiểm tra thì thở thoi thóp, sức khỏe rất yếu, lưng và tay chân có nhiều vết thương do cá rỉa. Miệng và lưỡi bị lở loét nặng, hai mắt đỏ lừ không mở ra được, miệng rên.
Các thuyền viên trên tàu lấy nước rửa mặt, lau khô và ủ ấm cơ thể, nhỏ thuốc rửa mắt, nấu cháo đút ông Việt ăn.
Khoảng một giờ sau, ông Việt tỉnh lại. Sau đó, ông được tàu đưa về đảo Phú Quý, bàn giao cho Đồn Biên phòng và chuyển ông tới trung tâm y tế để chăm sóc điều trị.
Trưa 6/6, ông Việt xuất viện sau khi sức khỏe hồi phục và được đưa vào đất liền Phan Thiết để về quê. Những người trên đảo đã quyên góp tiền giúp ông mua vật dụng và chi phí về quê. Chị Châu Thị Ngọc Ngân - một người dân sống trên đảo lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ ông với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Ông Việt (giữa) trở về bên vòng tay bạn bè, người thân.
Trở về bên vòng tay người thân, ông Việt vui mừng khôn xiết: "Chuyện vừa xảy ra như một cơn ác mộng. Bây giờ, mọi thứ đã ổn. Thực sự, tôi biết ơn mọi người vô cùng”.
Khi được hỏi có tiếp tục bám biển mưu sinh không? ông Việt nhìn xa xăm trầm ngâm hồi lâu rồi trả lời: “Chắc bỏ đi biển, kiếm việc trên bờ làm. Nhưng bám biển 27 năm rồi, không biết làm việc khác có được không nữa…”.
MINH MINH
Nguồn tin: Nguyễn Văn Trung - Sưu tầm:
Ý kiến bạn đọc